Chuyên gia nói gì về vắc-xin Quinvaxem và Pentaxim?

Sống khỏe mạnh - 10/01/2024

Theo kết quả tiền thẩm định của WHO, Quinvaxem là vắc-xin an toàn có chất lượng tốt, đạt hiệu quả phòng bệnh và mức chi phí hợp lý.

>> Xem thêm: Chuyên đề về Cơn sốt vắc-xin Pentaximtại đây

Hà Nội vừa qua một đợt tiêm vắc-xin dịch vụ Pentaxim 5 trong 1. Nhưng do nguồn cung khan hiếm, nên hiện nay vẫn còn rất nhiều gia đình trong tình trạng quyết tâm chờ vắc-xin dịch vụ để tiêm cho con. Tuy nhiên, các bậc làm cha, mẹ nên xem xét lại việc trì hoãn tiêm chủng cho trẻ vì việc này có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ. Chúng ta nên cân nhắc việc sử dụng những vắc-xin có sẵn đã được Bộ Y tế hỗ trợ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kiểm định về mặt chất lượng.

Chúng ta cần biết các loại vắc-xin đều có giá trị phòng bệnh, nhưng mỗi loại lại có kháng nguyên khác nhau. Vì vậy, các vắc-xin đều có thể gây phản ứng. Do mũi tiêm dịch vụ sử dụng ở Việt Nam còn ít nên chưa đánh giá được phản ứng. Còn vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) mỗi năm tiêm cho hơn 1 triệu trẻ nên tỷ lệ tai biến khó tránh khỏi.

Chuyên gia nói gì về vắc-xin Quinvaxem và Pentaxim?

Cảnh chen lấn, hỗn loạn xảy ra ở nhiều địa điểm đăng ký tiêm chủng (Ảnh: Vietnamnet)

Tỷ lệ tai biến nặng của vắc-xin dịch vụ Pentaxim và Quinvaxem là tương đương

Bộ Y tế cho biết, vắc-xin Pentaxim và Quinvaxem đều là những vắc-xin phòng bệnh hiệu quả, an toàn cho trẻ. Do những phản ứng thông thường sau tiêm khiến nhiều cha, mẹ thấy lo ngại khi cho trẻ tiêm Quinvaxem. Tuy nhiên, những nghi ngại phản ứng nặng do vắc-xin Quinvaxem là không có cơ sở, theo thống kê trên thế giới, tỷ lệ các phản ứng thông thường sau khi tiêm Quinvaxem gồm: sốt, quấy khóc, sưng đau tại chỗ tiêm,… cao hơn vắc-xin Pentaxim, nhưng tỷ lệ tai biến nặng là tương đương.

PGS.TS. Trần Như Dương, phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế khuyến cáo về việc sử dụng vắc-xin Quinvaxem (Video: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế)

Tỷ lệ phản ứng nặng của Quinvaxem là rất nhỏ

Nói về những phản ứng thường gặp khi tiêm vắc-xin, PGS.TS.Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, tiêm vắc-xin là đưa kháng nguyên vào cơ thể con người nên có thể có những phản ứng từ nhẹ đến nặng. Tất nhiên, những phản ứng này cũng đã được WHO hoặc nhà sản xuất khuyến cáo theo từng loại vắc-xin về các dạng phản ứng hay là tỉ lệ phản ứng có thể xảy ra.

Theo thống kê, tính từ khi đưa vào sử dụng đến nay, tỷ lệ phản ứng nặng của Quinvaxem là 0.69/1 triệu liều và tỉ lệ tử vong là 0.17/1 triệu liều. Trong khi tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin bạch hầu-ho gà-uốn ván theo ước tính của WHO là 20/1 triệu liều. Vì vậy, việc sử dụng vắc-xin Quinvaxem cho cộng đồng là hoàn toàn chấp nhận được.

Chuyên gia nói gì về vắc-xin Quinvaxem và Pentaxim?

Nhiều người so sánh 2 loại vắc-xin này nhưng lại chưa có sự hiểu biết đúng đắn dẫn đến tình trạng vắc-xin miễn phí thì vẫn còn nhưng lại cố đợi vắc-xin dịch vụ đang khan hiếm (Ảnh minh họa: Internet)

Trên thực tế, Việt Nam sử dụng đến 4.500.000 liều/1.5 triệu trẻ, còn tiêm vắc-xin Pentaxim chỉ đạt 100.000 liều/33.000 trẻ. Theo các chuyên gia, con số này cho thấy tỷ lệ tiêm Pentaxim là vô cùng thấp khi so sánh với Quinvaxem. Vì thế, xét về mặt lý thuyết, các trường hợp phản ứng liên quan đến Quinvaxem đương nhiên sẽ gặp nhiều hơn Pentaxim.

Chất lượng của vắc-xin Quinvaxem được khẳng định bởi Tổ chức Y tế Thế giới

Theo ông Kohei Toda-Chuyên gia tiêm chủng của WHO, năm 2006, sau khi vắc-xin Quinvaxem được WHO tiền thẩm định về chất lượng, từ năm 2010 cho đến nay, Việt Nam đã sử dụng được khoảng 24.9 triệu liều. Trong quá trình sử dụng cũng có ghi nhận một số ca tai biến nặng sau khi tiêm chủng. Tất cả các trường hợp trẻ bị tai biến nêu trên đều được điều tra và báo cáo kịp thời. Tỷ lệ trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem không tăng so với các năm trước. Các trường hợp tử vong sai khi tiêm chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý khác.

Ngoài ra, theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, mặc dù vắc-xin Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào nên gây ra nhiều phản ứng phụ hơn vắc-xin Pentaxim có chứa thành phần ho gà vô bào, tuy nhiên tỷ lệ phản ứng nặng là tương đương nhưng khả năng sinh miễn dịch của vắc-xin Quinvaxem tốt hơn. Chính vì vậy, nếu tỷ lệ sử dụng vắc-xin dịch vụ tăng lên 60-70% thì miễn dịch của cả cộng đồng sẽ giảm, tăng khả năng bùng phát dịch bệnh. Do đó, đảm bảo việc TCMR vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.

Chuyên gia nói gì về vắc-xin Quinvaxem và Pentaxim?

Trẻ nhỏ cần được tiêm phòng đúng thời điểm và đầy đủ mới có thể phòng tránh bệnh tật tốt nhất (Ảnh minh họa: Internet)

Thời gian gần đây, Việt Nam đã ghi nhận một số ca mắc bệnh ho gà và xảy ra ổ dịch bạch hầu ở một số nước láng giềng. Việc sử dụng vắc-xin Quinvaxem là cần thiết để phòng chống các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. WHO vẫn khuyến cáo nên sử dụng vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào nhằm tạo miễn dịch phòng bệnh tốt hơn. Theo kết quả tiền thẩm định của WHO, Quinvaxem là vắc-xin an toàn có chất lượng tốt, đạt hiệu quả phòng bệnh và mức chi phí hợp lý.

Tiêm chủng đúng thời gian quy định để đảm bảo hệ miễn dịch vững chắc cho trẻ

Trong suốt những năm qua, Việt Nam đã phòng chống tốt nhiều dịch bệnh nhờ đảm bảo đúng và đủ việc tiêm chủng. Nếu vì chờ đợi vắc-xin dịch vụ mà người dân bỏ tiêm hoặc tiêm không đúng quy định, thì sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và khi đó hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn.

Các gia đình cần lưu ý thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không chậm trễ trong việc đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch. WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật cho Việt Nam nhằm đảm bảo việc sử dụng vắc-xin an toàn.

Theo TS. Nguyễn Nhật Cảm – GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, số lượng vắc-xin Pentaxim sẽ không nhiều nên việc tiêm Quinvaxem và uống thêm vắc-xin bại liệt vẫn là chủ yếu. Ông cũng cho biết, Bộ Y tế nói chung và Trung tâm Y tế Dự phòng nói riêng đảm bảo rằng, các loại vắc-xin phòng bệnh tương tự như Pentaxim luôn có đủ cho trẻ.

>> Xem thêm: Chuyên đề về Cơn sốt vắc-xin Pentaximtại đây

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!