Quinvaxem là một loại thuốc chủng ngừa thể ngũ trị (hóa trị 5) có tác dụng bảo vệ trẻ em chống lại 5 căn bệnh chết người, bao gồm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, cúm haemophilus loại B và viêm gan B.
Tiêm vắc xin cho trẻ là một trong những mối lo ngại đối với các bà mẹ. Hầu hết các bà mẹ thường băn khoăn về chuyện liệu trẻ có bị sốt sau khi tiêm chủng hay vắc xin có thích hợp với trẻ không. Do đó, hiểu biết về các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ là điều cần thiết. Qua bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm về một trong những loại vắc xin phổ biến hiện nay – vắc xin Quinvaxem.
Vắc xin Quinvaxem là gì?
Quinvaxem là một loại thuốc chủng ngừa thể ngũ trị (hóa trị 5) có tác dụng bảo vệ trẻ em chống lại 5 căn bệnh chết người, bao gồm: bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, cúm haemophilus loại B và viêm gan B. Kể từ khi được WHO kiểm nghiệm trước năm 2006, vắc xin Quinvaxem đã được sản xuất 400 triệu liều, áp dụng trên ở 91 quốc gia và đạt được mức an toàn kỷ lục. Vắc xin được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở trọng của Việt Nam vào tháng 6 năm 2010. Đến nay, Việt Nam đã dùng khoảng 15,2 triệu liều Quinvaxem trên toàn quốc.
Vắc xin Quinvaxem có tác dụng gì?
Vắc xin Quinvaxem thường được dùng tiêm phòng làm tăng cường kháng thể cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi để phòng ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và các chứng bệnh do virus H. influenzae loại B. Quinvaxem được chỉ định cho trẻ sơ sinh bất kể trẻ đã được tiêm vắc xin viêm gan loại B khi sinh hay chưa. Ngoài ra, Quinvaxem có thể được dùng trong việc chủng ngừa cơ bản kết hợp với các vắc xin DTP-HepB-Hib để thúc đẩy trẻ em phát triển.
Trong trường hợp nào bạn không nên cho trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem?
Bạn không nên dùng Quinvaxem cho trẻ em bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc xin hoặc có dấu hiệu mẫn cảm sau khi tiêm phòng vắc xin bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan siêu vi B hay Hib.
Trẻ em mắc bệnh não không rõ nguyên nhân sau khi chủng ngừa vắc xin ho gà không nên tiêm phòng Quinvaxem. Trong những trường hợp này, bạn nên cho trẻ tiếp tục tiêm vắc xin khác phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, viêm gan siêu vi B và Hib.
Một lưu ý khác là bạn không nên cho trẻ tiêm chủng khi trẻ đang bị sốt, dù vắc xin đó là Quinvaxem hay bất kỳ loại nào khác. Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ mắc bệnh nhẹ, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường hoặc các bệnh nhiễm trùng khác ở đường hô hấp trên (nhiệt độ cơ thể dưới 38°C) vẫn có thể tiêm chủng bình thường.
Tương tự như vậy, bạn cũng không cần cho trẻ hoãn tiêm chủng trong trường hợp trẻ đang điều trị với corticosteroid tại chỗ hoặc sử dụng corticosteroid hệ thống ở liều thấp (không quá 0,5mg/kg prednisone) hoặc trong trường hợp trẻ mắc bệnh ngoài da, ví dụ như viêm da, chàm hoặc các bệnh rối loạn về da.
Bạn cần lưu ý điều gì khi cho trẻ tiêm chủng vắc xin Quinvaxem?
Dù cho trẻ tiêm chủng bất kỳ loại vắc xin nào, bao gồm cả Quinvaxem, thì bạn luôn phải nhớ theo dõi tình trạng của trẻ và có điều trị y tế phù hợp trong trường hợp trẻ có phản ứng dị ứng ngay tức thì, sốc phản vệ hoặc phản ứng phản vệ sau khi tiêm vắc xin.
Bạn nên thận trọng khi cho trẻ tiêm vắc xin để tránh các phản ứng không mong muốn bằng cách xem lại lịch sử bệnh của trẻ, đặc biệt là phản ứng với việc sử dụng bất kỳ loại vắc xin nào trước đây, lịch sử của từng bệnh rối loạn sức khỏe gần đây cũng như các lần chủng ngừa trước đó.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Bệnh ho gà ở trẻ: Bạn đừng coi thường!
- Vắc xin 3 trong 1: Giải pháp phòng bệnh uốn ván hiệu quả ở trẻ
- Giải đáp thắc mắc về loại vắc-xin 6 trong 1
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!