Tranh chấp, xô xát … trong lúc chơi thường khó kiểm soát, vì đôi khi nó diễn ra quá nhanh. Người lớn thường cảm thấy bất lực vì không thể ngăn chặn việc làm này của trẻ con. Tuy vậy, nhiều trường hợp trẻ con tấn công nhau ảnh hưởng rất lớn đến thể chất và tâm lý của đứa trẻ.
Một trường hợp được báo chí nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây tại Bắc Giang. Vào tháng 10 năm 2018 bé trai N.M (10 tháng tuổi) con chị Thân Minh Huệ xuất hiện nhiều vết thương trên mặt sau khi từ trường mầm non Vân Vũ về. Theo gia đình cho biết, bé theo học ở đây được 2 tháng.
Hiệu trưởng trường mầm non Vân Vũ cho biết: vết thương trên mặt bé N.M là do trưa ngày 20/10, các cô giáo đi ra ngoài nên các bạn lớp lớn vào cắn bé.
Chị Huệ cho biết sau khi bị bạn cắn, bé M. hoảng loạn, gào khóc khi thấy người lạ.
Một trường hợp tương tự, tháng 11 năm 2018 bé gái Willow-Ivy Doherty 17 tháng tuổi ở Anh khi dến khu vui chơi thiếu nhi Little Bees bị hai cậu bé cắn 15 vết bao gồm 4 vết ở mặt, 2 ở ngón tay, 3 ở lưng, và những vết khác rải rác trên người.
Bé Willow-Ivy được đưa đến bệnh viện, cô bé đã phải tiêm một số vắc xin để phòng bệnh.
Vậy lý do gì khiến trẻ cắn bạn, tấn công bạn? Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị bạn cắn? Cùng tìm hiểu để tránh tổn thương cho trẻ.
Lý do trẻ cắn bạn
Trẻ cắn, tấn công bạn vì cảm giác bị đe dọa
Đây là hành động xảy ra do trẻ quá sợ hãi, nên trẻ phản ứng theo cách này để tự vệ.
Khi đó, người lớn nên trấn an trẻ và giúp bé giảm bớt căng thẳng. Bạn hãy tạo cho trẻ cảm giác được che chở, bảo vệ, an toàn để không thực hiện hành động này.
Trẻ cắn bạn vì muốn thu hút mọi người chú ý tới mình
Sau khi trẻ cắn bạn, trẻ thấy mọi người túm tụm lại, hỏi han, dỗ dành, quan tâm tới trẻ và bạn bị cắn. Với suy nghĩ non nớt của mình, trẻ nhầm tưởng rằng hành vi cắn của trẻ đang được ủng hộ.
Trẻ nhận thấy rằng sau hành vi cắn bạn, trẻ sẽ được mọi người chú ý tới hơn nên sẽ tiếp tục lặp lại hành vi đó vào lần sau mỗi khi bé muốn thu hút sự chú ý của người lớn.
Cách mọi người chăm sóc bé và phản ứng với thái độ của bé có thể khiến bé nhầm tưởng rằng người khác đang ủng hộ hành vi cắn của chúng. Ví dụ, một tiếng kêu the thé, hay tiếng cười khúc khích, v.v có thể khuyến khích bé lại cắn vào một lần khác. Nếu bé nhận thấy rằng mọi người chú ý đến chúng mỗi khi cắn, dù là chú ý theo kiểu ủng hộ hay phản đối, thì chúng có thể làm điều đó nhiều lần nữa.
Trẻ muốn trút giận
Khi trẻ con chơi với nhau, tranh giành đồ chơi hay bất đồng quan điểm, bé có thể giận dữ với bạn và thể hiện bằng hành vi cắn bạn. Đó là khi yêu cầu của trẻ không được đáp ứng, hoặc trẻ cảm thấy không vừa ý, không thoải mái. Bé có thể trút giận bằng cách cắn bạn để cảm thấy thoải mái hơn.
Xử lý vết thương khi con bị bạn cắn
Ngay sau khi con bị bạn cắn, bạn hãy tách 2 đứa trẻ ra, ôm con vào lòng để vỗ về, xoa dịu, an ủi bé. Hành động này giúp con cảm thấy bớt sợ hãi và bình tĩnh hơn.
Vết cắn được gây ra bởi răng người thường dễ bị nhiễm trùng hoặc lây các bệnh truyền nhiễm qua vết thương. Nếu vết cắn chỉ là vết xước, rách nhỏ: bạn hãy dùng dung dịch xà phòng rửa dưới vòi nước chảy cho bé khoảng 5 phút. Bạn không cần bôi thuốc sát trùng hoặc băng bó cho trẻ. Nếu vết cắn là vết rách cần băng bó thì chỉ băng bó trong thời gian ngắn rồi tháo bỏ để vết thương tự liền.
Nếu vết cắn là vết rách to, vết thủng: bạn hãy dùng dung dịch xà phòng rửa dưới vòi nước chảy cho bé khoảng 10 phút. Sau đó đưa trẻ tới cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra vết thương và có hướng xử lý kịp thời tránh nhiễm khuẩn cho trẻ.
Để tránh con bị cắn, bạn hãy hướng dẫn trẻ cách tự bảo vệ mình hoặc giữ bé tránh xa những đứa trẻ có hành vi bạo lực, hoặc người lạ.
Khi cho trẻ tới công viên, khu vui chơi giải trí, nơi công cộng, người lớn nên giám sát, theo dõi trẻ, không được rời mắt khỏi trẻ để có vấn đề gì có thể can thiệp luôn, tránh hậu quả xấu xảy ra.
Bố mẹ nên thường xuyên quan sát các dấu hiệu khác lạ trên cơ thể bé để phát hiện, chăm sóc bé kịp thời.
Trần Huyền
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!