Kể từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có tới 16 trẻ phản ứng nặng và 8 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem. Mới đây nhất, một cháu bé tại Đồng Nai cũng đã tử vong sau khi tiêm vắc-xin phòng lao.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 8 ca tử vong sau khi tiêm Quinvaxem, có 1 trường hợp là do sốc phản vệ sau tiêm, 7 trường hợp tử vong còn lại do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ. Trường hợp cháu bé ở Đồng Nai, Hội đồng khoa học của Bệnh viện đa khoa Trảng Bom nhận định cháu tử vong là do sặc sữa. Như vậy, tất cả các trường hợp trên đều không liên quan đến vắc-xin hay quy trình tiêm chủng.
Mặc dù đã có kết luận chính thức từ Bộ Y tế, không ít phụ huynh vẫn hoang mang và tỏ ra mất niềm tin vào chất lượng các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem. Bất chấp tình trạng khan hiếm vắc-xin thay thế (Pentaxim của Pháp và Hexa-infarix của Bỉ), nhiều người chấp nhận ôm con 'chờ dài cổ' để được tiêm dịch vụ. Một số khác chọn giải pháp cho con tiêm vắc-xin lẻ. Thậm chí, một số người cho biết họ sẵn sàng mang con sang nước ngoài tiêm chủng.
Vắc-xin Quinvaxem được khẳng định là an toàn và được sử dụng tại 94 nước (Ảnh minh họa: Internet)
Ngày 10/11 vừa qua, ông Kohei Toda, chuyên gia tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã chính thức lên tiếng bác bỏ những tin đồn về vắc-xin Quinvaxem. Ông cho biết, Quinvaxem đã được sử dụng tại 94 nước trên thế giới với số lượng khoảng 449 triệu liều. Ngoài Quinvaxem, các vắc-xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào cũng được sử dụng rộng rãi tại 131 quốc gia. Theo kết quả tiền thẩm định của WHO, Quinvaxem là vắc-xin an toàn, hiệu quả, có chất lượng tốt và chi phí hợp lý. Do đó, WHO vẫn khuyến cáo Quinvaxem là vắc-xin cần thiết để phòng chống các bệnh trong tiêm chủng mở rộng ở trẻ em.
Về những phản ứng khi tiêm vắc-xin, trong một bài phỏng vấn với TTXVN, Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW (Bộ Y tế) cho biết tiêm vắc-xin là đưa một kháng nguyên lạ vào cơ thể, do đó, dù tốt đến đâu cũng không có loại vắc-xin có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối 100%. Tuy nhiên, tất cả các loại vắc-xin được đưa vào sử dụng đều phải trải qua quá trình nghiêm ngặt, đảm bảo tính an toàn và hiệu lực.
Hầu hết các trường hợp sau khi tiêm chỉ có phản ứng nhẹ như sốt, sưng, đau tại chỗ tiêm và thường tự khỏi sau 24 giờ. Tuy nhiên, một số ít cá thể lại phản ứng mạnh với vắc-xin, đặc biệt là ở trẻ em, gây ra các tai biến nghiêm trọng như sốt cao, co giật, tím tái, quấy khóc nhiều, thậm chí là sốc và tử vong. Có 4 nguyên nhân gây tử vong sau tiêm chủng: phản ứng với vắc-xin, trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý có sẵn của trẻ, sai sót trong tiêm chủng và phản ứng do tiêm.
Trẻ nhỏ có thể gặp một vài phản ứng sau tiêm nhưng tiêm phòng mang tính sống còn với trẻ (Ảnh minh họa: Internet)
Để phòng tránh và hạn chế rủi ro liên quan đến tai biến sau tiêm chủng, các bậc phụ huynh cần lưu ý:
- Nắm rõ tình trạng sức khỏe của con trước khi tiêm. Không tiêm vắc-xin khi: Trẻ sốt cao, cảm cúm, nhiễm trùng cấp tính; trẻ từng có phản ứng nghiêm trọng với một loại vắc-xin trước đó (tuyệt đối không tiêm lại loại vắc-xin trẻ đã từng phản ứng. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể tiêm vắc-xin phòng bệnh khác); trẻ dị ứng với trứng; trẻ mắc bệnh hen suyễn và phổi; trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch hay đang hóa trị.
- Trong quá trình tiêm, chú ý loại thuốc y tá lấy ra tiêm, đọc hạn sử dụng của thuốc, có thể xin giữ lại vỏ thuốc. Phụ huynh nên yêu cầu lấy thuốc vào xi lanh ngay trước mặt để đảm bảo y tá lấy đúng loại thuốc và đủ liều lượng.
- Sau khi tiêm, cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi và kịp thời xử lý trong trường hợp xảy ra phản ứng bất thường.
- Sau tiêm 48 giờ, nếu trẻ có các biểu hiện như sốt cao (trên 39oC), quấy khóc kéo dài, bỏ bú, khóc thét, khó thở, tím tái, co giật, li bì, phát ban…, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Hà Vân
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!