Trong những năm đầu đời, tiêm chủng mặc dù không thể bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật hoàn toàn nhưng được coi là phương pháp tốt nhất giảm thiểu nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm, giảm tỉ lệ tử vong do bệnh tật.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, các bà mẹ cần biết những việc cần thực hiện khi đưa con đi tiêm chủng và biết cách chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm chủng.
Giữ gìn phiếu/sổ tiêm chủng của trẻ để theo dõi quá trình tiêm chủng của trẻ, mang theo phiếu, sổ tiêm chủng khi đưa con đi tiêm chủng hoặc khi đi khám bệnh, chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vắc-xin trong lần tiêm chủng trước, đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm chủng.
Chủ động hỏi cán bộ y tế về loại vắc-xin được tiêm chủng lần này và những phản ứng có thể gặp, bế và giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ phản ứng sau tiêm vắc-xin cho trẻ.
Phản ứng có thể xảy ra sautiêm vắc-xin
Phản ứng thông thường sau tiêm chủng là các biểu hiện nhẹ và có thể tự khỏi, thường xảy ra sau khi sử dụng vắc-xin, bao gồm các triệu chứng tại chỗ như: mẩn ngứa, đau, sưng, đỏ tại vị trí tiêm; triệu chứng toàn thân như sốt dưới 39 độ C và một số triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn).
Phản ứng nặng sau tiêm chủng, có thể bao gồm: Co giật, khóc thét, quấy khóc dai dẳng, li bì, hôn mê; Thở khò khè, khó thở, tím tái; Đau quặn bụng, đại tiểu tiện không tự chủ; Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa; Mạch nhanh nhỏ, khó bắt; Sốc phản vệ (rất hiếm gặp)...
Mẩn ngứa là phản ứng có thể xảy ra sau tiêm vắc-xin.
Những lưu ý sau khi tiêmvắc-xin
Sau khi trẻ tiêm vắc-xin, cần được theo dõi sau tiêm chủng tại điểm tiêm và chăm sóc khi trở về nhà. Nếu không được theo dõi, phát hiện những bất thường của trẻ sau tiêm chủng, thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Theo dõi sau tiêm chủng tại nơi tiêm
Sau tiêm chủng, cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra. Nhân viên y tế kiểm tra và theo dõi các dấu hiệu phản ứng sau tiêm chủng. Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ cơ thể và vết tiêm trước khi cho trẻ vừa được tiêm ra về.
Theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm tại nhà
Cho trẻ ăn/bú đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế sau khi tiêm chủng.
Cần tiếp tục theo dõi sau tiêm chủng cho trẻ tại nhà ít nhất trong vòng 24h sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần, ăn, ngủ, thở, nốt phát ban trên da, triệu chứng tại chỗ tiêm... Gia đình cần chú ý: Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát; Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn; Cho trẻ ăn/bú đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế; Không cho ăn nằm; Kiểm tra thường xuyên trẻ, đặc biệt là ban đêm.
Quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm; Không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Nếu trẻ bị sốt thì bố mẹ cặp nhiệt độ, chườm ấm và theo dõi; Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Cách xử trí các trường hợp có phản ứng sốt:
Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C:chườm trán, nách, bẹn trẻ bằng nước ấm hoặc dùng miếng hạ sốt dán trán. Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú mẹ thường xuyên hơn. Ăn mặc thoáng mát, không ủ ấm trẻ. Theo dõi nhiệt độ 3 giờ/1 lần.
Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C: Dùng thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ.
Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm mát để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ.
Tránh chạm vào vết tiêm khi bế trẻ, không xoa dầu, chườm nóng hay nặn chanh, đắp khoai tây hoặc bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng chỗ tiêm.
Tất cả các trường hợp tiêm vắc-xin, cần đưa trẻ khám lại ngay khi: Trẻ co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú; Khó thở, tím tái, nổi mề đay toàn thân, chân tay lạnh, nổi vân tím; Sốt cao liên tục trên 39 độ C, dùng hạ sốt không đỡ; Sốt trên 3 ngày; Vị trí tiêm sưng, cứng, đau và có quầng đỏ kích thước hơn 2cm; Nếu quầng đỏ tiếp tục to lên hơn 2cm, cứng, nóng cần đưa trẻ đi khám lại ngay.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!