Có những niềm tin vô căn cứ nhưng vẫn được không ít người tin và làm theo. Đó là 'người bệnh ung thư cần phải bỏ đói cơ thể, để tế bào ung thư cũng bị bỏ đói rồi tự chết'.Tin đồn này hết sức nguy hiểm.
Ăn thiếu, ăn thừa đều có thể gây bệnh
Chúng ta cần hiểu rõ bồi dưỡng thể chất chính là tăng cường cung cấp chất liệu xây dựng lên cơ thể và đổ đầy năng lượng sống. Nếu thiếu chất, cơ thể sẽ dần teo đét, sụp đổ. Khi thiếu năng lượng, cơ thể sẽ suy giảm hoạt động, trở nên yếu đuối.
Xương yếu thì khung cơ thể không vững, cơ thịt yếu thì yếu vận động, tế bào miễn dịch yếu thì yếu sức đề kháng, tế bào thần kinh trung ương yếu thì tinh thần uể oải. Người bệnh ung thư lại càng không thể thiếu chất, đặc biệt là những người đang trong quá trình điều trị.
Những tế bào đang ở giai đoạn sinh sản thì rất dễ chết khi có thuốc hoặc tia xạ, nhưng nếu không đủ chất thì tế bào ung thư sẽ ngủ yên và không sinh sản, như gấu ngủ đông vậy. Khi đó, tế bào ung thư sẽ không 'ăn' thuốc, không 'ăn' tia xạ.
Vì thế, cho thuốc hoặc chiếu tia vào lúc cơ thể thiếu chất sẽ rất kém tác dụng, làm hại nhiều cho cơ thể mà tăng khả năng sống sót cho tế bào ung thư.
Nhưng cũng không được bồi dưỡng làm dư chất trong cơ thể. Dư chất gây béo phì và đủ các chứng bệnh (tiểu đường, tim mạch, ung thư…), thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với bệnh nhân ung thư, ngoài lúc đang điều trị thì dư chất làm tế bào ung thư no đủ, sinh sản nhanh, bệnh mau trở nặng hoặc nhanh tái phát. Do đó cần nhấn mạnh tính vừa đủ trong bồi dưỡng về chất.
Ăn sao cho vừa đủ?
Phải ăn đủ (không thừa không thiếu) chất lượng và số lượng. Thực hành đơn giản nhất là ăn nhiều mà không lên cân, không mập ra. Trong nhà người bệnh ung thư nên có cái cân sức khỏe. Muốn ăn đủ các chất thì phải ăn đổi món thường xuyên (đủ các loại rau quả, thịt cá, trứng sữa…). Chỉ ăn chay trường một món sẽ bị nguy cơ chất thì dư, chất thì thiếu.
Lưu ý, không phải các món cao lương mỹ vị đắt tiền mới đủ chất, mà là ngược lại. Chỉ cần các món bình dân trong các chợ ở địa phương. Đảm bảo chất lượng còn bao hàm ý nghĩa vệ sinh thực phẩm, tránh ngộ độc ăn uống.
Tốt nhất là nhai nuốt bình thường với thực phẩm thông thường. Bất quá mới dùng thêm vitamin tổng hợp (thuốc bổ), nặng hơn nữa mới phải dùng thức ăn tổng hợp hoặc truyền dịch.
Uống ra sao?
Phải đủ nước cho cơ thể, bởi 90% trọng lượng tế bào là nước và 60% trọng lượng của cả cơ thể là nước. Đủ nước thì mới bảo đảm tốt cho quá trình lưu thông, chuyển hóa các chất, giúp cơ thể thực hiện tốt quá trình tổng hợp chất và khử thải độc.
Nước là vị thuốc giúp khử và thải độc tốt nhất, rẻ nhất. Đó là điều rất quan trọng, đặc biệt đối với người bệnh ung thư đang tiến hành điều trị. Uống và truyền nhiều nước để có nhiều nước tiểu trước và trong đến sau cuộc truyền hóa chất sẽ giúp tránh suy thận cho người bệnh ung thư. Đủ nước sẽ tăng hiệu quả xạ trị.
Ngoài ra ở người không có bệnh ung thư, đủ nước giúp đủ nước tiểu và không táo bón, giúp tránh bị sỏi đường niệu và bệnh trĩ; giảm nguy cơ bị ung thư bàng quang và ruột già.
Không khô răng miệng thì miệng họng mới ít bị viêm, răng ít bị sâu. Nước ảnh hưởng đến năng suất hoạt động thể xác và trí não. Thiếu nước nặng người ta lú lẫn, ảo giác hoặc hôn mê, chân tay không cử động nổi. Thiếu nước nhẹ (chỉ cần thiếu 1%, do vận động, sốt) là mọi hoạt động thể xác tinh thần đều giảm.
Với người bình thường thì có lẽ đơn giản thế này là tạm đủ: cứ khát là uống liền. Đối với người hay quên uống nước thì để 2 lít nước trên bàn mỗi ngày uống cho hết. Không để kéo dài cảm giác khát (ráng nhịn uống để làm cho xong việc) và không để khô da, môi, miệng; nước tiểu vàng nhạt và không dưới 1000 mL/24h, không táo bón.
Với người bệnh, nhất là người bệnh bị rối loạn hoặc mất cảm giác khát nước, việc đảm bảo đủ nước trong cơ thể không phải là công việc đơn giản. Người bác sĩ có kiến thức cơ bản về thăng bằng nước điện giải sẽ giúp bệnh nhân việc duy trì đủ nước trong cơ thể.
Cơ thể đào thải chất cặn bã độc hại không chỉ qua tiêu tiểu mà còn qua nước ở mồ hôi và hơi thở. Uống đủ nước và làm cho ra mồ hôi (xông hơi, tập thể dục, lao động) là việc làm hữu ích.
Uống quá nhiều nước sẽ làm giảm ăn thực phẩm (ăn thiếu mà vẫn no). Uống nhiều nước đều đặn trước bữa ăn lâu dài sẽ làm giảm trọng lượng cơ thể. Giảm cân bằng biện pháp uống nhiều nước, theo tôi là biện pháp tiêu cực không nên theo, nhất là bệnh nhân ung thư.
Thở - thở - thở
Đối với người bình thường, không khí trong lành là dưỡng khí cần thiết. Để nhận được khí trong lành, cần môi trường tốt và biết cách thở đúng. Những miền quê miền biển, rừng núi, đồng bằng ít khói bụi là nguồn dưỡng khí tốt cho sức khỏe.
Đối với người bệnh ung thư, việc đủ oxygen cho mô tế bào là yếu tố quan trọng để tế bào bướu nhạy điều trị xạ hóa.
Tiến hành điều trị trong khi hô hấp kém, sẽ làm giảm kết quả diệt tế bào bướu. Cần chú trọng hơn về việc thở và dạy thở cho đúng cách. Điều trị tốt những bệnh về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản tắc nghẽn…
Ánh sáng mặt trời
Trên da: Tia nắng mặt trời là yếu tố quan trọng để tổng hợp vitamin D cho cơ thể một cách hiệu quả mà tự nhiên.
Đi bộ buổi sáng là bồi dưỡng nhiều mặt trong đó có tắm nắng sớm mai. Bằng tác dụng của Vitamin D, ánh sáng giúp cơ thể tổng hợp và chuyển hóa calcium và phosphorus, tăng cường hệ miễn dịch, ổn định tinh thần.
Qua mắt:Sáng tối và màu sắc của môi trường sống ảnh hưởng đến tâm trạng của bệnh nhân. Cần tránh để phòng ốc u tối và quá nhiều vật dụng gam màu lạnh.
Ánh sáng mặt trời đã gắn với lịch sử phát sinh, tồn tại và phát triển của mọi loài trên trái đất. Ánh sáng là một yếu tố quan trọng duy trì sự hoạt động của đồng hồ sinh học trong cơ thể.
Ánh sáng quyết định sự phát triển cơ thể hòa hợp với nhịp sinh học cho nên không thể thiếu ánh sáng.
Người Mỹ được khuyên tắm nắng sớm 15 đến 30 phút mỗi ngày. Người Việt Nam có lẽ tắm nắng sớm mai 1-2 tiếng đồng hồ không sao. Nên tránh nắng từ 10h sáng đến 4h chiều vì khoảng thời gian đó ánh nắng quá mạnh.
Dư nắng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư da, ung thư tế bào hắc tố, cườm mắt. Vấn đề này quan trọng ở người da trắng vùng ôn đới và hàn đới hơn người vùng nhiệt đới – nơi mà da con người đã tôi luyện nhiều đời trong ánh nắng.
Cũng không nên dùng những buồng ánh sáng nhuộm thẩm mỹ da hay thấy ở Mỹ hoặc châu Âu. Ở vùng thiếu ánh nắng, uống thêm vitamin D và các vitamin khác có thể là cần thiết.
Người Việt bình thường thì không cần thiết uống thêm Vitamin D khi nhiều thời gian tiếp xúc ánh nắng và có hoa quả, rau tươi dùng mỗi ngày. Chỉ uống khi có bệnh làm rối loạn chuyển hóa hoặc gây ăn uống kém làm cơ thể thiếu hụt vitamins.
Ca hát, nghe tiếng thiên nhiên và âm nhạc
Không gian yên tĩnh quá không tốt, làm con người cảm giác cô đơn, dễ chìm đắm vào những nghĩ suy và tình cảm tiêu cực. Cần có âm thanh không ồn ào nhưng đủ để biểu hiện sự sống động của cuộc sống.
Từ tự nhiên như tiếng chim hót, tiếng lá cây trong gió, tiếng nước chảy, sóng biển; cho đến những âm thanh của con người (tự nhiên hoặc qua radio, TV). Khuyến khích bệnh nhân ca hát và đi nghe trình diễn nhạc kịch.
Bệnh ung thư thường làm người bệnh bị suy nhược thể xác và tinh thần. Các phương pháp điều trị bệnh cũng rất nặng nề, cần nhiều sức khỏe để mà theo đuổi cuộc điều trị được đến nơi đến chốn. Cần phải bồi dưỡng cho cơ thể và tâm hồn người bệnh ung thư luôn ở trạng thái khỏe mạnh.
Khi mang bệnh ung thư, người bệnh có 3/4 cho đến 4/5 thời gian ban đầu (giai đoạn sớm) không có triệu chứng, hoàn toàn như người bình thường. Phần lớn và chính yếu của việc bồi bổ và nuôi dưỡng sức khỏe cho người bệnh ung thư thực chất cũng áp dụng đúng cho cả người không có bệnh.
Bất kể người nào cũng cần bồi dưỡng để thể xác vững mạnh và tinh thần có được trạng thái hưng phấn, tích cực, tăng cường sức đề kháng của cơ thể ngay từ khi tuổi trẻ. Sức đề kháng là yếu tố quan trọng nhất đề ngừa và điều trị bệnh nhiễm trùng và ung thư.
Nguyên tắc của việc bồi dưỡng là chủ động tích cực nhưng phải vừa đủ. Cần đặc biệt lưu ý nguyên tắc này.
Bồi dưỡng là một công việc tổng hợp, gồm những nội dung phối hợp với nhau chặt chẽ:
• Bồi dưỡng thể chất
• Bồi dưỡng tinh thần
• Bồi dưỡng vận động
Do bác sĩ Phạm Lương Giang biên soạn và bác sĩ Phạm Nguyên Quý biên tập, loạt bài này sẽ lần lượt trình bày từng nội dung kể trên, dựa trên các trường hợp thực tế bác sĩ Phạm Lương Giang đã điều trị hoặc chứng kiến.
Bác sĩ Phạm Lương Giang từng có 20 năm làm việc tại Trung tâm Ung bướu TP HCM trước khi sang Mỹ. và tiếp tục làm việc trong chuyên khoa Ung thư tại một bệnh viện ở Massachusetts , USA.
Bác sĩ Phạm Nguyên Quý hiện đang làm việc tại khoa Nội khoa, bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản.
Bác sĩ Phạm Lương Giang
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!