Ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ mắc tim mạch
Theo số liệu của WHO năm 2013, trên thế giới đã có 17,5 triệu người tử vong do bệnh lý liên quan đến tim mạch, trong đó có 2,5 triệu người chết do nhồi máu cơ tim.
Tại Việt Nam, báo cáo của Viện Tim mạch Quốc Gia cho biết, tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim chiếm khoảng 27,4% số ca. Mỗi phút, mỗi giờ trong quá trình cấp cứu nhồi máu cơ tim đều vô cùng quý giá với bệnh nhân, vì đây là thời khắc 'ngàn cân treo sợi tóc' có thể phải trả giá bằng chính tính mạng bệnh nhân nếu không cấp cứu kịp thời.
Nhiều bệnh nhân tuổi còn khá trẻ, không có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp hay đái tháo đường; gia đình không có tiền sử bị đột quị, đột tử nhưng lại bị nhồi máu cơ tim. Các bác sĩ xác định nguyên nhân đó là do hút thuốc lá. Có bệnh nhân chưa đến 30 tuổi nhưng 'lịch sử' hút thuốc cũng lên tới 12 – 15 năm.
Theo các bác sĩ, nếu nhồi máu cơ tim xảy ra ở người trẻ nguy hiểm hơn người già mới do tình trạng thiếu máu đột ngột. Ở người cao tuổi, thiếu máu tăng dần nên không nguy hiểm bằng người trẻ.
Trần Văn Đ., 28 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội, nhập viện cấp cứu trong tình trạng đột ngột đau ngực trái dữ dội, khó thở và vã mồ hôi.
Ngay lập tức bác sĩ cho đo điện tim, chụp mạch vành, với kết quả bệnh nhân bị máu tắc hoàn toàn nhánh liên thất trước do huyết khối.
Các bác sĩ đã thông tim can thiệp cấp cứu đặt 1 stent phủ thuốc trên đoạn gần nhánh liên thất trước. Sau can thiệp, bệnh nhân đã hết khó thở, đau ngực, hiện sức khỏe phục hồi tốt.
Anh Nguyễn Ngọc L, 38 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được chuyển đến Bệnh viện E trung ương trong tình trạng sốc tim, đau dữ dội vùng ngực trái, nguy cơ ngừng tim, tử vong nếu không xử lý nhanh.
Các bác sĩ Trung tâm tim mạch quyết định đưa thẳng vào phòng tim mạch can thiệp. Hồi sức tích cực và chụp động mạch vành qua da được triển khai ngay.
Kết quả, động mạch vành phải của bệnh nhân hẹp 99% do huyết khối. Bác sĩ đã tiến hành hút huyết khối và đặt stent, sau 20 phút can thiệp, bệnh nhân hết đau ngực, mạch, huyết áp ổn định.
Những người hút thuốc lá dễ bị nhồi máu cơ tim.
Nhưng ít người may mắn như anh Đ. và anh L. được đưa vào bệnh viện kịp thời. Có những bệnh nhân trẻ bị nhồi máu cơ tim và không kịp đến bệnh viện vì không nghĩ còn trẻ đã bị bệnh tim mạch.
Dấu hiệu cần nhớ
Theo PGS Tạ Mạnh Cường – Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, nếu trước đây nhồi máu cơ tim thường gặp ở người cao tuổi thì nay bệnh gặp ở cả đối tượng trung niên, thanh niên cũng không hề ít.
PGS Cường giải thích, bình thường chúng ta nghĩ quả tim chứa nhiều máu, nhưng thật ra là quả tim được nuôi dưỡng bởi hệ thống động mạch vòng qua tim, gọi là động mạch vành.
Cũng giống như các mạch khác, động mạch vành có thể xơ, tắc hẹp, lúc này dòng máu không đi qua được chỗ tắc đó; cơ tim phía sau chỗ tắc không được nuôi dưỡng gây thiếu máu, tổn thương, hoại tử. Khi đó người ta gọi là nhồi máu cơ tim.
PGS Tạ Mạnh Cường.
Bệnh nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm, ví dụ diện nhồi máu cơ tim diện rộng, diện tắc tới 70% thì bệnh nhân tử vong ngay lập tức, hay gọi là bệnh nhân đột tử. Ở diện nhồi máu nhỏ hơn thì cơ tim hoại tử, chỗ cơ tim thủng ra người bệnh tử vong. Các biến chứng khác có thể gặp là rối loạn nhịp tim, suy tim...
Di chứng quan trọng nhất sau khi trải qua giai đoạn cấp của nhồi máu là bệnh nhân bị thiếu máu hoại tử cơ tim, suy tim…
Bác sĩ Cường nhấn mạnh, ở người trẻ khi gặp những triệu chứng như đau tức ngực trái dữ dội (dấu hiệu của nhồi máu cơ tim) thì không nên chủ quan, cần đến ngay phòng cấp cứu của các bệnh viện.
Nếu người bệnh được can thiệp và điều trị kịp thời ngay trong thời gian vàng (6 giờ từ khi đau ngực) thì bệnh nhân sẽ giảm được biến chứng sau nhồi máu cơ tim và giảm nguy cơ đột tử.
Ngoài ra, với những người bệnh khác nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường phối hợp và đang dùng thuốc điều trị bệnh lý này.
Những người hút thuốc lá nhiều nay đột nhiên xuất hiện đau ngực khác lạ, chưa thấy đau bao giờ, đau sâu, không đau nông, đau có tính chất chèn ép, co thắt, đau từ vài đến 15p, không kéo dài quá 1h, lan lan cổ, răng ê, lan hai bên tay, ngón tay út cũng đâu.
Sau 15p cơn đau hết thì có lẽ cơn đau với tính chất như vậy cần nghĩ đến nhồi máu và ngay lập tức liên hệ cấp cứu ở nơi gần nhất để được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!