Bất cứ nơi nào cô bé 6 tuổi Iris Grace Halmshaw đi, chú mèo 2 tuổi Thula chắc chắn cũng theo tới. Khi bé Iris vẽ tranh ngoài trời, khám phá khu vườn hay khi bé chơi đồ trong phòng, khi tắm hay dãi nắng, luôn có Thula ở gần.
Video một ngày của Iris và bạn mèo Thula
Trước khi mèo Thula đến, chị Carter-Johnson và chồng là anh Peter-Jon Halmshaw, đã trải qua một thời kỳ đen tối khi loay hoay tìm cách chữa tự kỷ cho con.
Iris được chẩn đoán mắc tự kỷ nặng lúc 2 tuổi, với các biểu hiện như ngủ thất thường, các hành vi ám ảnh lặp đi lặp lại, không nhìn vào mắt, không chơi với bố mẹ, bạn bè và cảm thấy khổ sở khi ở gần người lạ. Bé cũng thường đắm chìm vào những cuốn sách, không thích tham gia các hoạt động, nói chuyện hay giao tiếp. Bố mẹ cô bé nhanh chóng nhận ra giáo dục tại nhà là tốt nhất cho con. Chị Carter-Johnson cũng hướng dẫn thêm con vẽ, tô màu và điều này hữu ích cho Iris.
Bé Iris Grace Halmshaw và bạn mèo Thula (Ảnh: CNN/Carter-Johnson)
Chị Carter-Johnson vốn là một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Chị đã cho con vẽ tranh lúc 3 tuổi. Thật may là bé hào hứng và vui vẻ với hoạt động này. Iris thậm chí còn tự pha màu. 'Bé nhìn tôi và không còn đẩy tôi ra nữa. Đó là một cách để chúng tôi kết nối', chị Carter-Johnson kể.
Ngoài ra, qua nghiên cứu, chị Carter-Johnson phát hiện nhiều trẻ có phản ứng tốt với loài vật, như chó, ngựa. Vợ chồng chị đã thử hai loài này trước nhưng Iris không thích. Về sau, chị quyết định mua cho con một chú mèo.
Đêm đầu về nhà, mèo Thula đã ngủ ngoan trong vòng tay ôm của Iris. Bé có vẻ dễ chịu khi ở bên nó. 'Thula yêu tất cả những thứ mà Iris thấy khó khăn. Đó là điều tuyệt vời', chị Carter-Johnson kể.
Vì Iris ghét cảm giác quần áo hay nước chạm vào da nên việc mặc đồ hay tắm cho em cực kỳ khó. Nhưng là một giống mèo thích nước, Thula nhảy ngay vào bồn tắm và chẳng bao lâu sau Iris bắt chước theo. Sau ba tháng, cô bé đã thoải mái mặc đồ.
Chú mèo dường như luôn biết Iris muốn gì, thích nghi với các hành vi của cô bé và trở thành một người bạn hoàn hảo. Nếu Iris mất kiên nhẫn trong ôtô, nó sẽ ngồi lên đùi cô bé để trấn tĩnh bạn. Nếu cô bé khó chịu ban ngày hay thức giấc vào đêm, nó sẽ giúp cô bé ổn định lại.
Vì không thấy áp lực như khi nói chuyện với người, Iris cũng bắt đầu trò chuyện với mèo, chẳng hạn nói 'ngồi xuống, mèo'. Thula cũng bắt chước khi Iris vẽ tranh, chơi đùa và khích lệ bé.
Cũng vào thời điểm này, Iris được giới thiệu về nhạc cổ điển và đàn vĩ cầm. Cô bé có thể ngồi xem hòa nhạc 2 tiếng. Chị Carter-Johnson cũng thấy âm nhạc truyền cảm hứng cho con gái vẽ tranh, vì thế vợ chồng chị quyết định kết hợp âm nhạc với các hoạt động khác.
Hai người cũng bắt đầu sáng lập một câu lạc bộ để con và các bé tự kỷ có cơ hội ở bên người khác trong khi tham gia các hoạt động yêu thích, từ nấu ăn, khám phá khoa học tới âm nhạc, lịch sử.
Vài năm gần đây, Iris nổi tiếng về những bức tranh kiểu Monet của mình. Thậm chí một số nghệ sĩ như Angelina Jolie cũng đã mua tác phẩm của cô bé. Việc tương tác với người mua, người xem giúp bé có bước tiến đáng kể trong học tập và tự tin.
Dù biết mình còn nhiều việc cần làm để cải thiện khả năng nói và giao tiếp của con, chị Carter-Johnson vẫn vô cùng sung sướng khi bé đã giao tiếp bằng mắt tốt hơn và biết giao lưu với những người khác. Chẳng hạn, bé đã nhớ cần nói 'xin chào' và 'tạm biệt' khi gặp mọi người, cũng như biết cách kể lại một ngày của mình xảy ra thế nào.
'Tôi tràn đầy hy vọng vào những tiến triển hơn nữa. Một ngày nào đó, tôi muốn con có khả năng kiếm việc làm và sống tự lập. Tự kỷ không phải là chẩn đoán về tương lai ảm đạm - nó cho thấy sự tươi sáng từ những điều khác biệt và đáng nâng niu này', người mẹ chia sẻ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!