Có khi nào bạn tự hỏi: Tại sao mình lại bầm tím thế này?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Những nguyên nhân có thể gây ra những vết bầm trên cơ thể gồm: thiếu vitamin, lão hóa, bệnh Von Willebrand, nâng tạ, tiểu đường hoặc giảm tiểu cầu.

Ai trong chúng ta cũng từng nhìn thấy chân tay có vết bầm và tự hỏi không biết mình đã va vào đâu. Trên thực tế, ngoài chấn thương, vết bầm tím còn xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân. Dưới đây là 6 lý do chính do Medical Daily liệt kê.

Thiếu vitamin

Một số loại vitamin như vitamin B12, vitamin K, vitamin C có vai trò trong việc tạo, cắt giảm đông máu và chữa lành vết thương. Thiếu hụt nhẹ những vitamin này không gây ra triệu chứng nào, nhưng nếu kéo dài liên tục dẫn đến một số biểu hiện như bầm tím.

Bạn bổ sung thực phẩm giàu vitamin vào chế độ ăn hoặc sử dụng viên vitamin tổng hợp để tăng cường dưỡng chất và ngăn vết bầm.

Lão hóa

Thật không may, tuổi tác là một trong những nguyên nhân gây bầm tím. Da bị lão hóa trở nên mỏng, nhợt nhạt. Mạch máu ở lớp hạ bì ngày càng yếu ớt khiến các hiện tượng như ban xuất huyết hoặc u máu quả anh đào dễ xảy ra, biểu lộ ra ngoài bằng vết bầm tím.

Không cách nào đảo ngược được tình trạng này, song bạn có thể phòng tránh bằng cách hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ăn uống lành mạnh và cung cấp đủ nước cho da.

Có khi nào bạn tự hỏi: Tại sao mình lại bầm tím thế này?

Bầm tím không phải chỉ do va đập gây ra (Ảnh minh họa: Internet)

Bệnh Von Willebrand

Là rối loạn đông máu phổ biến nhất ở người, bệnh Von Willebrand đặc trưng bởi những vết bầm tím đi kèm các vấn đề về máu như chảy máu quá nhiều trong phẫu thuật hoặc kỳ kinh nguyệt. Bệnh Von Willebrand do sự thiếu hụt protein Willebrand, đặc biệt cần thiết cho quá trình đông máu của cơ thể.

Bệnh Von Willebrand hầu như luôn di truyền, chỉ một số ít trường hợp mắc bệnh lúc trưởng thành. Bệnh không có thuốc chữa nhưng kiểm soát được bằng thuốc cùng các phương pháp điều trị khác.

Nâng tạ

Tập luyện tốt cho sức khỏe nhưng nâng tạ quá sức nhiều khả năng là thủ phạm gây những vết bầm không rõ nguyên nhân. Cơ thể bị căng thẳng sẽ phá vỡ các mạch máu, từ đó xuất hiện vết bầm.

Loại bầm tím này nhìn chung là vô hại. Nếu thấy vết bầm lớn bất thường, đau hoặc kéo dài, bạn nên đi gặp bác sĩ.

Tiểu đường

Tiểu đường không chỉ ảnh hưởng đến lượng đường trong cơ thể mà còn gây rối loạn tuần hoàn, khiến da dễ bầm tím bởi đường huyết quá cao làm tổn thương mạch máu.

Để đối phó, bạn hãy lưu ý những dấu hiệu như cơn khát, tầm nhìn mờ, sự mệt mỏi, khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng giảm sút bên cạnh những vết bầm tím. Kết hợp với nhau, chúng báo hiệu bệnh tiểu đường và bạn sẽ cần đi khám.

Giảm tiểu cầu

Giảm tiểu cầu là rối loạn đông máu khiến số lượng tiểu cầu bị thấp và cơ thể dễ bầm tím, đôi lúc trở nên nghiêm trọng. Giảm tiểu cầu thường xuất hiện thứ phát sau một vấn đề khác, ví dụ như mang thai, rối loạn miễn dịch hoặc bệnh máu trắng.

Tốt nhất, để đảm bảo sức khỏe, bạn nên tham khảo bác sĩ ngay nếu cảm thấy vết bầm không bình thường, đặc biệt khi nó trông giống phát ban bởi đó là dấu hiệu đang gặp bệnh nguy hiểm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!