Có nên dùng nước súc miệng thay thế kem đánh răng?

Cần biết - 11/24/2024

Do bị sâu răng và hôi miệng nên 2 tháng nay chồng tôi dùng nước súc miệng hàng ngày tới 4-5 lần thay thế kem đánh răng.

Tôi xin hỏi việc dùng như vậy có gây hại gì không? Trần Thị Huệ (Hà Nội)

Thành phần của nước súc miệng có các chất như: Sodium bicarbonate, chlorine dioxide có tác dụng che giấu và khử mùi hôi ở miệng; chất hydrogen peroxide giúp tiêu diệt những vi khuẩn kỵ khí bằng cách cung cấp ôxy để tiêu diệt chúng; chất fluoride có tác dụng làm chắc răng và ngừa sâu răng. Một số loại nước súc miệng (thường được bác sĩ nha khoa chỉ định khi cần thiết) còn chứa chất làm giảm đau khi răng bị đau, tê; chất đệm (tức là dung dịch đệm) để giảm đau ở những mô mềm, làm giảm độ acid có trong miệng và hòa tan những lớp màng mỏng bám vào niêm mạc miệng... Ngoài ra, các sản phẩm nước súc miệng còn chứa một hàm lượng lớn chất cồn (ethanol) với tỷ lệ thay đổi từ 6 - 27%, tùy vào từng loại.

Với mỗi loại nước súc miệng sẽ có cách dùng phù hợp để phát huy tác dụng tốt nhất, khi dùng thì nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Chỉ nên coi nước súc miệng là một “vũ khí” hỗ trợ kem đánh răng thay vì sử dụng nó để thay thế kem đánh răng.

Nguyên nhân chính dẫn đến hơi thở có mùi là do vi khuẩn phát triển ở vùng phía sau lưỡi. Đánh răng có hiệu quả hơn so với việc dùng nước súc miệng. Nhiều người có thói quen sử dụng nước súc miệng thay thế việc đánh răng, là rất sai lầm.

Bởi vì chỉ sử dụng nước súc miệng sẽ không đảm bảo làm sạch răng, nướu và khoang miệng. Nếu dùng quá nhiều nước súc miệng thay thế kem đánh răng sẽ diệt một số vi khuẩn có lợi, làm thay đổi môi trường cân bằng vùng miệng.

Thậm chí có trường hợp còn gây ố răng, hư những mảnh trám răng, rối loạn vị giác, kích ứng miệng, lưỡi... Do nước súc miệng chứa lượng cồn cao làm mất nước nên nếu sử dụng quá nhiều lần sẽ gây khô miệng. Ngoài ra, sử dụng thường xuyên và lâu dài, nước súc miệng có thể gây cảm giác nóng rát trong nướu, lưỡi...

Mặc dù có nhiều loại khác nhau nhưng nước súc miệng chỉ có tác dụng hạn chế sâu răng, sát khuẩn chứ không chữa được sâu răng hay làm trắng răng như một số người nhầm hiểu. Vì vậy, cần thăm khám răng theo định kì để luôn duy trì tình trạng sức khỏe răng miệng tốt.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!