Răng khôn hàm trên là răng mọc cuối cùng và nằm phía trong cùng của cung hàm.
Đây là răng gây nhiều tranh cãi bởi vì chức năng của răng không rõ ràng nhưng những phiền toái mà nó mang lại rất phổ biến. Răng mọc ở lứa tuổi trưởng thành khi các răng khác đã mọc ổn định, vì vậy nó thường hay mọc lệch, mọc ngầm do bị thiếu chỗ hoặc dễ bị sâu răng cũng như biến chứng nhiễm trùng do khó vệ sinh răng miệng.
Khi răng khôn mọc ở tư thế gần, nó sẽ húc vào răng số 7 và gây các tai biến như viêm lợi trùm. Lúc ăn uống, vụn thức ăn giắt vào túi lợi, gây viêm túi lợi có mủ. Người bệnh bị đau ở vùng răng khôn, vướng, khó nhai, có khi sốt, gây đau đớn.
Ảnh minh họa
Ở nước ta, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, ý thức vệ sinh răng miệng của người dân chưa cao, những hiểu biết cơ bản về các tai biến do răng khôn mọc lệch, chìm còn hạn chế nên có nhiều biến chứng răng khôn.
Thực tế, không phải trường hợp nào mọc răng khôn cũng được chỉ định nhổ. Trong trường hợp người bệnh có các triệu chứng như sưng đau, viêm nhẹ chỉ cần dùng kháng sinh, kháng viêm, vệ sinh răng miệng bằng thuốc có chất diệt khuẩn là có thể cải thiện những triệu chứng lâm sàng.
Khi viêm nhiễm tái phát, viêm lợi trùm trở thành mãn tính, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa xem xét, tư vấn có nên phẫu thuật hay không. Tuy nhiên, phẫu thuật răng khôn hàm trên thường có các khó khăn và phức tạp do đây là răng nằm ở vị trí sâu trong hốc miệng, răng thường mọc lệch, đôi khi ngầm trong xương.
Hơn nữa, răng khôn hàm trên nằm sát xoang hàm nên khi nhổ răng dễ đẩy chân răng, cuống răng vào xoang hàm trên… Ngay cả khi đã được phẫu thuật bệnh nhân thường có các biến chứng như sưng đau…
Vì vậy, răng khôn chỉ nên nhổ khi sự có mặt của nang hay u trong thành bao mầm răng khôn, gây biến dạng khuôn mặt; viêm quanh răng khôn lặp lại nhiều lần, tiêu xương ổ răng, tiêu xương kẽ giữa 2 răng…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!