Cơ thể ảnh hưởng thế nào khi bị đè ép?

Kỹ năng sống - 05/19/2024

Con người luôn phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn về rủi ro, tai nạn trong lao động, tai nạn trong sinh hoạt.

Trong cuộc sống hàng ngày, con người luôn phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn về rủi ro, tai nạn trong lao động, tai nạn trong sinh hoạt.

Mới đây, ngày 11/9, tại Nghệ An, 2 học sinh tiểu học đã tử vong do bồn chứa nước dung tích 1500 lít sập đổ nơi các em đang chơi. Hay ngày 12/9, giàn cốt pha xây dựng khách sạn tại Gia Lai sập xuống, khiến 1 công nhân tử nạn. Đây thực sự là tiếng chuông cảnh báo về vấn đề đảm bảo an toàn trong lao động và trong học tập, sinh hoạt.

Nắm bắt được đặc điểm chung về đặc điểm cơ chế tổn thương có ý nghĩa quan trọng đối với công tác sơ cấp cứu, chăm sóc và điều trị. Bài viết sau đây cung cấp cho độc giả những kiến thức chung nhất về đặc điểm sinh lý bệnh, cơ chế tổn thương và diễn biến lâm sàng trong các tai nạn có tổn thương vùi lấp, đè ép cơ thể.

Cơ thể ảnh hưởng thế nào khi bị đè ép?

Hiện trường vụ đổ bình nước vào 2 học sinh tại Nghệ An

Sinh lý bệnh    

Với các trường hợp nặng do bị chén ép cơ thể ở các cơ quan trọng yếu như não, tim, phổi, gan… thường nạn nhân nhanh chóng tử vong do tổn thương não (chảy máu não, xuất huyết não, dập não..,), tổn thương tim mạch và hô hấp, tổn thương các cơ quan quan trọng khác do vỡ tạng. Nguyên nhân tử vong do sốc mất máu và do tổn thương cơ quan quá nặng nề, đa chấn thương.

Khi cơ thể bị chấn thương tác động do các vật nặng đè ép, các chi thể và một phần cơ thể bị vùi lấp, chèn ép bởi ngoại lực tác động lên các mô, tổ chức của cơ thể. Điều này khiến các cơ bị tổn thương, dẫn tới tiêu cơ vân, màng tế bào bị tổn thương , rò rỉ, rối loạn điện giải, ion kali trong tế bào thoát ra dịch ngoại bào gây tăng kali máu. Ngược lại, can-xi có mặt ở dịch ngoại bào di chuyển đến các tế bào bị tổn thương, khiến cho can-xi máu giảm.

Sau đó, diễn ra tình trạng thiếu máu cục bộ bởi động mạch bị chèn ép, rõ nhất trong các trường hợp chèn ép chi thể. Các mô bị tổn thương dẫn đến thiếu máu cục bộ kéo dài, dẫn đến thiếu oxy trong các mô tế bào.

Nếu thiếu máu cục bộ kéo dài từ 2-4 giờ có thể xuất hiện những tổn thương vĩnh viễn không hồi phục. Thiếu máu kéo dài trên 6 giờ sẽ dẫn đến hoại tử cơ bắp. Thiếu máu cục bộ làm phát triển quá trình chuyển hóa yếm khí trong các mô đã bị tổn thương, dẫn đến một loạt các rối loạn khác nhau trong cơ thể. Chính vào thời điểm này, hầu hết các nạn nhân bắt đầu gánh chịu hậu quả của hội chứng chèn ép.

Biểu hiện lâm sàng

Những nạn nhân của hội chứng đè ép thường có biểu hiện đa chấn thương. Theo đó, triệu chứng lâm sàng cũng đa dạng, phức tạp do có thể có tổn thương đa cơ quan phủ tạng. Có thể có rối loạn ý thức do chấn thương sọ não, sốc do mất máu cấp. Bên cạnh đó, tổn thương do rối loạn tính thấm thành mạch và tổn thương do suy thận cấp gần như mang tính chất kinh điển, xuất hiện trong hầu hết các trường hợp tổn thương do hội chứng đè ép.

Ngay sau khi được giải phóng chèn ép, nạn nhân cảm thấy dễ chịu hơn nhưng ngay sau đó có thể rơi vào tình trạng nặng nề hơn và có thể đột ngột tử vong. Nguyên nhân là do khi lực chèn ép được giải phóng, các sản phẩm chuyển hóa sinh ra trong quá trình thiếu máu cục bộ không còn giới hạn trong khu vực bị thương mà được tự do lưu thông.

Đặc biệt, kali thoát ra từ trong tế bào và acid lactic sinh ra trong chuyển hóa yếm khí được giải phóng theo tuần hoàn đi về tim. Trái tim rất nhạy cảm với cân bằng kali cũng như các thay đổi trong sự cân bằng acid-base trong cơ thể. Sự tăng đột ngột của kali và axít lactic có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, đe dọa tính mạng ngay lập tức. Đây là lý do phổ biến nhất làm ngừng tim đột ngột ở những nạn nhân bị hội chứng chèn ép. Vì vậy trong sơ cứu nạn nhân, trước khi giải phóng chèn ép, để ngăn ngừa biến chứng này người ta phải đặt một ga ra ở phía trên khu vực chèn ép để ngăn chặn sự tấn công của kali và sau đó vận chuyển nạn nhân về tuyến sau.  

Cơ thể ảnh hưởng thế nào khi bị đè ép?

Hiện trường vụ đổ bình nước vào 2 học sinh tại Nghệ An

Suy thận cấp: Quá trình tiêu hủy cơ vân do chèn ép làm phát sinh một lượng lớn Myoglobin tự do lưu hành trong lòng mạch, có thể làm tắc mạch thận, dẫn tới thận mất chức năng lọc và gây nên biểu hiện suy thận cấp. Nước tiểu biến màu thành màu nâu rỉ sét là một chỉ báo sớm về tình trạng thận nhận được quá nhiều Myoglobin hay tình trạng tăng Myoglobin trong máu. Suy thận cấp được thường xuyên xuất hiện vài ngày sau chấn thương.

Mặc dù hội chứng đè ép xảy ra là tương đối ít gặp, nhưng những sự kiện thương tâm gần đây là một cảnh báo nghiêm túc về vấn đề quản lý an toàn lao động và phòng chống tai nạn thương tích trong cộng đồng./. 

 

Cậu bé sống sót kể lại giây phút bồn nước đổ sập
Bồn nước đổ đè chết 2 học sinh trên sân trường

 

Ảnh minh họa: Internet

ThS. Nguyễn Kiên Cường
Viện Y học Dự phòng Quân đội

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!