Con ương bướng, cha mẹ Do Thái làm gì?

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Cha mẹ Do Thái có những quy tắc xử lý đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả mà ai cũng có thể làm theo khi con trẻ trở nên ương bướng.

Ương bướng, cứng đầu, khó bảo vốn là bản tính tự nhiên của trẻ để thể hiện mình, để khẳng định cái tôi to như quả đất với cha mẹ. Và mặc cho cha mẹ tức giận, hay thất vọng thì trẻ vẫn thản nhiên làm điều trẻ muốn, thậm chí sẵn sàng đối đầu để bảo vệ cái tôi của mình đến cùng.

Có đôi khi cha mẹ không giữ được bình tĩnh. Quát tháo, trừng phạt, đánh đòn là chuyện thường diễn ra trong mỗi gia đình, và điều này làm trẻ bất mãn, đã ngang bướng lại càng ngang bướng. Vậy cha mẹ phải làm sao? Theo bà Sara Imas, tác giả của cuốn sách 'Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương' thì cha mẹ Do Thái có những quy tắc 'xử lý' khi trẻ ương bướng rất đáng để các cha mẹ tham khảo như sau:

1. Phụ huynh Do Thái tránh tối đa trừng phạt con nghiêm khắc hay cảnh báo bằng lời nói

Cha mẹ Do Thái sử dụng quyền uy đúng lúc đúng chỗ. Vì họ hiểu rằng nếu lúc nào cha mẹ cũng la mắng, trừng phạt một cách bừa bãi, bất hợp lý thì trẻ sẽ không còn sợ cha mẹ nữa, và lúc đó, đối với trẻ, cha mẹ là không khí, lời cha mẹ nói là gió thoảng qua tai.

Con ương bướng, cha mẹ Do Thái làm gì?

Cha mẹ Do Thái tránh trách mắng hay trừng phạt trẻ. Họ muốn trẻ học được các bài học từ những sai lầm do trẻ gây ra.

Cha mẹ Do Thái hiểu rằng con mình đang trong quá trình lớn lên, khám phá và học hỏi. Nên việc trẻ phạm sai lầm là chuyện bình thường. Và cha mẹ Do Thái chấp nhận những sai lầm đó của trẻ. Ngoài trừ trong những tình huống gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, thì trẻ em Do Thái hoàn toàn được tự do khám phá và được quyền làm sai.

Ngoài ra, họ cũng tận dụng triệt để từng cái sai của con để dạy trẻ kinh nghiệm và thái độ biết chấp nhận thất bại, tạo cho trẻ khả năng phục hồi nhanh.

2. Không cậy thế 'cha mẹ sinh con ra, cha mẹ nuôi con lớn' để mạt sát trẻ

Nếu buộc phải trừng phạt con, cha mẹ Do Thái cũng tránh mỉa mai, móc nhiếc bọn trẻ. Họ lựa chọn phương pháp phê bình phù hợp với trẻ. Không nói đi nói lại nhiều lần, không chất vấn 'Con có nghe mẹ nói gì không?'. Cha mẹ Do Thái cho trẻ có một không gian yên tĩnh để suy xét lại hành động, lời nói của mình, từ đó trẻ mới dễ dàng tiếp thu lời nói của cha mẹ.

3. Khi lên cơn nóng giận, cha mẹ Do Thái chọn cách lánh mặt hoặc giữ im lặng

Việc cha mẹ tránh mặt hay im lặng sẽ khiến cho trẻ nhận thức được tính nghiêm trọng của sự việc. Đồng thời cũng tránh được xung đột bùng nổ giữa cha mẹ và con cái cũng tránh được những lời nói quá đáng mà cha mẹ có thể làm tổn thương con trẻ trong lúc đang giận dữ.

4. Nói ra tâm trạng của mình cho con hiểu

Khi bị con chọc giận và nhận ra cơn phẫn nộ trong mình đang dâng trào lên, cha mẹ Do Thái chọn cách nói ra tâm trạng của mình theo ba cấp độ: 'Mẹ rất không hài lòng với cách làm của con'; 'Mẹ thật sự rất bực!'; 'Mẹ sắp nổi điên rồi!'. Những cách nói này có hiệu quả hơn là trút cơn giận lôi đình vào con.

5. Không bao giờ nổi giận với con trước mặt người khác

Vì họ không muốn con mình cảm thấy bị mất mặt, từ đó nảy sinh ý nghĩ chống đối. Cha mẹ Do Thái dạy bảo trẻ vào những lúc thích hợp, khiến trẻ cảm thấy dù cha mẹ có đang tức giận nhưng vẫn giữ thể diện cho chúng, trẻ sẽ giảm bớt thái độ đối đầu.

Con ương bướng, cha mẹ Do Thái làm gì?

Tôn trọng, giữ thể diện cho trẻ trước mắ người khác là phương pháp cha mẹ Do Thái dùng để giáo dục trẻ biết nghe lời hơn, mà không có thái độ chống đối.

6. Tìm cách xoa dịu để bù đắp cho trẻ

Đối với trẻ nhỏ, đôi khi một nụ hôn, một cái hôn hay một câu nói 'mẹ yêu con' cũng xoa dịu được nỗi ấm ức của trẻ ngay lập tức. Còn đối với những trẻ lớn hơn, một cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái là rất cần thiết.

Ngoài những quy tắc 'ngầm' như trên, thì cha mẹ Do Thái luôn đắn đo suy nghĩ rất kỹ trước khi quyết định trừng phạt con. Họ thường đặt tay lên ngực và tự hỏi mình bằng những câu hỏi:

- Cách trừng phạt như thế có giúp sửa đổi được những hành vi, cư xử không tốt của con không?

- Khi áp dụng hình phạt với con, mình có đang tức giận không?

- Trừng phạt kiểu này có làm cho con cảm thấy bị sỉ nhục hay xấu hổ không?

- Nếu không tức giận, mình có phạt con không?

- Mình có nên thử áp dụng biện pháp bù đắp tích cực trước khi phạt không?

- Liệu sự trừng phạt của mình có giúp con học được cách cư xử đúng không?

- Sự trừng phạt này có là một phần trong kế hoạch dạy con của mình không?

- Mình có đang kích động khi phạt con không?

- Hình phạt dành cho con có cần nhất quán không?

- Sự trừng phạt của mình có hợp lý, công bằng và ngay thẳng chưa?

Sau khi tự hỏi, tự trả lời hết những câu hỏi này, cha mẹ Do Thái mới quyết định có phạt trẻ hay không? Và trong khi suy nghĩ về những câu trả lời đã giúp họ bình tĩnh hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn, cẩn trọng hơn, nên quyết định đưa ra cũng hợp lý hơn. Từ đó khiến trẻ phục và nể sợ cha mẹ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!