Tử vong vì tin vào những lời đồn
Một thảm kịch vừa xảy ra ở các tỉnh Khuzestan và Alborz của Iran đã khiến ít nhất 27 người chết ở Iran sau khi uống rượu công nghiệp để ngăn ngừa nhiễm COVID-19. Được biết đây là tin đồn không có cơ sở khoa học những vẫn được lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội. Theo Thông tấn xã Mehr: 'Hơn hai trăm người đã phải nhập viện ở tỉnh Khuzestan phía tây nam bởi họ nghĩ rằng uống rượu lậu, rượu công nghiệp là một biện pháp phòng ngừa, có tác dụng khử trùng, chống lại COVID-19'. Mặc dù uống rượu là hành vi bị nghiêm cấm ở Iran, trừ những người thuộc nhóm tôn giáo thiểu số ngoài đạo Hồi. Hầu hết, các trường hợp tử vong do ngộ độc rượu đều xảy ra ở tỉnh Khuzestan, con số lên đến hàng chục người.
Còn tại Trung quốc, mới đây Khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân thành phố Hải Ninh (Chiết Giang, Trung Quốc) cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân bị xuất huyết đường tiêu hóa do uống nhiều rượu. Bệnh nhân là ông Vương, năm nay 73 tuổi. Vì nghe nói trong đợt dịch bệnh uống rượu có thể tiêu độc, diệt virus nên người đàn ông này mỗi tối đều uống 2 cốc rượu trắng nồng độ cao dẫn đến nôn ra máu. May mắn ông được gia đình đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời nên tình trạng của ông Vương đã được cải thiện.
Bác sĩ điều trị cho ông ở Bệnh viện nhân dân thành phố Hải Ninh cho biết: 'Sau khi vào cơ thể, rượu có nồng độ cao sẽ bị dịch dạ dày pha loãng, nồng độ sẽ bị giảm thêm một phần, điều này cũng không có bất kỳ tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn liên quan trong dạ dày. Ngoài ra, sau khi được cơ thể hấp thụ, rượu sẽ được chuyển hóa ở gan, cuối cùng bị dị hóa và bài tiết ra khỏi cơ thể. Do đó, không có bằng chứng khoa học nào để chứng tỏ uống rượu có thể tiêu diệt được chủng virus corona mới này'.
Có thể nguy hiểm tính mạng
Theo các chuyên gia khi nồng độ cồn máu đạt đến 400mg/100ml bệnh nhân sẽ bị ức chế hô hấp, hôn mê và có thể gây tử vong. Với nồng độ rượu trong máu trên 500mg/100ml thì gây tử vong cho hầu hết người bệnh. Tử vong do ngộ độc rượu chủ yếu là do ức chế trung khu hô hấp ở hành não, khiến cho bệnh nhân thở chậm, thông khí kém, dẫn đến thiếu ô xy cho não và các cơ quan khác trong cơ thể. Thời gian chậm nhất là 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn methanol, các triệu chứng của ngộ độc rượu sẽ xuất hiện. Biểu hiện gồm: Bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật, tê yếu chân tay hoặc tê yếu một bên mặt, nói ngọng khi đã tỉnh táo, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng, ho yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh. Các biểu hiện khác là da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh. Đại tiện, tiểu tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường), nhìn mờ, nhìn một vật thành hai, rối loạn cảm nhận về màu sắc, nôn nhiều... Khi phát hiện người bị ngộ độc rượu hoặc nghi ngờ cần gọi cấp cứu ngay. Khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới ( WHO ): Đồ uống có cồn không bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bị nhiễm COVID-19. Bạn nên hạn chế tối đa việc uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe. Những người không uống được rượu bia không nên tập uống để ngăn ngừa COVID-19 vì biện pháp này không có tác dụng.
Cho đến nay, chưa có thuốc đặc trị phòng và điều trị COVID-19. Một số biện pháp điều trị đặc hiệu đang được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng.
Minh Nhật
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!