Cứ 10 giây có một người tử vong vì tiểu đường

Kỹ năng sống - 05/06/2024

Năm 2035 dự kiến 592 triệu người trên thế giới mắc bệnh đái tháo đường, tăng 55% so với năm 2013.

Nhiều biến chứng như đột quỵ, tim mạch, suy thận, rối loạn cương, mất thị lực, nhiễm trùng phải cắt bỏ chân...

Tiến sĩ Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh Viện Nhân Dân 115 cho biết số người mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam tuýp 2 gia tăng nhanh chóng. Chỉ số đường huyết tĩnh mạch lúc đói từ 70 tới 100 mg/dL được xem là bình thường.

Với người tiền đái tháo đường, chỉ số này là 100 đến 125 mg/dL, từ 126 mg/dL trở lên được xem mắc bệnh đái tháo đường.

Cứ 10 giây có một người tử vong vì tiểu đường

Tăng cường vận động thể dục giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh đái tháo đường. Ảnh: Lê Phương.

Theo bác sĩ Nam, những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh là thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động, tăng huyết áp, gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột bị bệnh, phụ nữ có thai...

Đây là bệnh mạn tính, hiện chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị hợp lý sẽ giúp kiểm soát bệnh, giảm những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, suy thận, rối loạn cương, mất thị lực, nhiễm trùng cắt bỏ chân...

Hiện bệnh viện có khá nhiều bệnh nhân nhiễm trùng chân đang điều trị, đối diện với nguy cơ đoạn chi.

Bệnh diễn tiến âm thầm, không triệu chứng nên giai đoạn đầu người bệnh thường không biết hoặc biết nhưng không quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Một số dấu hiệu sớm của bệnh là khát nước, đi tiểu nhiều, đói liên tục, suy nhược mệt mỏi, sụt cân đột ngột, ngứa ran hoặc tê, nhìn mờ, chậm lành vết thương, nhiễm trùng thường xuyên...

Có thể ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh bằng cách giữ cân nặng hợp lý, chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường vận động với thời gian phù hợp.

Tăng cường đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày, chạy bộ, xe đạp 20 phút; hay leo thang bộ 10 phút; đá banh, bơi nhanh 5 phút mỗi ngày. Bên cạnh đó để làm giảm biến chứng đái tháo đường, cần kiểm soát tốt cholesterol, kiểm soát đường huyết, huyết áp, ngưng thuốc lá...

Với người bệnh đái tháo đường, một số dấu hiệu báo động tăng đường huyết (lớn hơn 180 mg/dL) là khát, uống nước nhiều, sụt cân, nhìn mờ, ăn nhiều, mệt, tiểu nhiều.

Cần uống nước lọc đầy đủ, dùng thuốc và ăn đúng bữa, gặp ngay bác sĩ nếu đường huyết cao không giảm chứ không tự ý tăng thuốc. Khi đường huyết hạ (nhỏ hơn 80 mg/dL) sẽ có biểu hiện đói run, dánh trống ngực, mệt mỏi, đổ mồ hôi, da lạnh.

Hạ đường huyết có thể làm tổn thương tế bào thần kinh gây sa sút trí tuệ, xảy ra biến cố tim mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... Không bao giờ cho ăn uống đối với trường hợp bệnh nhân mất ý thức mà cần nhanh chóng đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất.

‘Khi nghi ngờ hạ đường huyết nếu bệnh nhân còn tỉnh táo cần thử ngay đường huyết, nếu dưới 70 thì cho uống 15 g đường hấp thu nhanh như uống 3 muỗng đường, hai nhai 3 viên kẹo, ăn một muỗng mật ong, nửa lon nước ngọt, nước trái cây...  Đo lại đường huyết sau 15 phút, nếu đường huyết còn thấp, uống thêm 15 g đường’, bác sĩ Nam chia sẻ.

Từ nay đến cuối năm, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) khám, phát hiện sớm đái tháo đường miễn phí mỗi tháng một lần. Đăng ký hẹn ngày khám theo số điện thoại 092.2.838.858 trong giờ hành chính. Người khám bệnh không ăn sáng trước khi làm xét nghiệm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!