Mấy ngày trước,16 học sinh lớp 4B trường Xuân Thành,huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng cùng nhập viện do nhiễm cúm A/H1N1. Kết quả được viện Pasteur TP HCM công bố. Trong huyện cũng có 17 trường hợp mắc cúm với triệu chứng sốt, ho, sổ mũi… nâng số bệnh nhân lên 33. Hiện, các cơ quan chức năng đang tiến hành ngăn chặn ổ dịch. Với khả năng lây lan nhanh, cúm là một trong những bệnh dễ trở thành dịch. Vì thế, mọi người nên có biện pháp phòng tránh trong đợt dịch.
Ai cũng có thể mắc cúm
Cúm A được WHO xét vào nhóm vi-rút gây bệnh cúm mùa. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do các chủng vi-rút cúm B, A/H1N1, A/H3N2 và cúm C gây ra. Bệnh có các triệu chứng ho, sốt, hắt hơi… một số trường hợp gây biến chứng viêm phổi, thậm chí gây tử vong.
Cúm mùa là bệnh rất phổ biến, ai cũng có nguy cơ mắc
Theo WHO, mỗi năm có khoảng 5 - 10% người lớn và 20 - 30% trẻ bị nhiễm bệnh. Trong đó, 3 - 5 triệu trường hợp biến chứng nặng, khoảng 250.000 - 500.000 bệnh nhân tử vong. Tại Việt Nam, khoảng 1,5 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa mỗi năm. Cúm xuất hiện quanh năm nhưng đông xuân là thời điểm xuất hiện nhiều nhất.
Những con đường lây lan
Cúm A chủ yếu lây nhiễm qua đường hô hấp. Khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi… các giọt nước nhỏ (khoảng 5µm) bắn ra ngoài mang theo vi-rút. Chúng di chuyển với vận tốc 30 - 80cm/ giây và có thể đi xa đến 1m. Người lành hít phải các giọt nước này sẽ lây bệnh.
Người bệnh lúc sinh hoạt cá nhân, các vật dụng, bề mặt, thậm chí bàn tay cũng có thể mang mầm bệnh. Khi người lành tiếp xúc, vi-rút dễ dàng xâm nhập và gây bệnh. Ở ngoài môi trường, vi-rút cúm có thể tồn tại từ vài giờ đến 48 tiếng.
Khi nói chuyện, hắt hơi, người bệnh đã phát tán rất nhiều vi-rút ra ngoài
Khả năng gây bệnh phụ thuộc vào thể trạng mỗi người. Người có thể trạng yếu, trẻ em, người già, phụ nữ có thai dễ mắc bệnh hơn cả. Người sống trong vùng dịch có khả năng mắc bệnh cao hơn. Trường học, cơ quan làm việc, nơi đông người… là những địa điểm thuận lợi cho vi-rút phát tán và lây nhiễm. Ổ dịch tại huyện Đạ Tẻh là một trường hợp lây lan trong lớp học.
Biện pháp phòng ngừa
Để chủ động phòng chống cúm mùa, mọi người nên đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng. Khi hắt hơi nên lấy khăn che miệng, nếu dùng tay phải rửa lại trước khi tiếp xúc với người khác.
Luôn giữ ấm cho cơ thể. Trong thời điểm giao mùa, thời tiết thường thất thường, không nên mặc quá phong phanh. Đeo khẩu trang khi ra đường hoặc nơi công cộng, đông người.
Tiêm phòng cúm là việc cần làm với cả người lớn và trẻ nhỏ
Bổ sung rau củ, thịt cá hợp lý để cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể, giúp nâng cao khả năng miễn dịch. Không ăn tiết canh, thực phẩm tái. Rèn luyện thể dục, thể thao thường xuyên để có thể trạng tốt. Tiến hành tiêm vắc-xin để phòng bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc các trường hợp nghi mắc bệnh. Hạn chế tối đa nói chuyện trực tiếp hay không ăn uống chung, mặc đồ người bệnh. Sau khi tiếp xúc cần rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
Khi thấy các triệu chứng ho, sốt, đau đầu, sổ mũi, mệt mỏi nên đi khám để xác định bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Người bệnh nên tránh lây bệnh cho người khác. Sau vài ngày nhiễm vi-rút, các triệu chứng bệnh mới xuất hiện. Trước đó, người bệnh đã phát tán vi-rút ra bên ngoài. Vì vậy, khi thấy người mệt mỏi, nghi nhiễm cúm nên hạn chế tiếp xúc với nhiều người. Tăng cường bổ sung hoa quả, uống nhiều nước để tăng sức đề kháng.
>> Xem thêm: 33 người nhiễm cúm A/H1N1 tại Lâm Đồng
Ảnh minh họa: Internet
Thanh Nguyên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!