Dã ngoại ở tiểu học và THCS ở Nhật Bản

Làm mẹ - 05/03/2024

Lên lớp 5 và 6, các em có hai chuyến dã ngoại 2 đêm 1 ngày. Đây là những chuyến đi được các bé mong đợi vì phải xa nhà, tự lập.

Lên tiểu học thì các hoạt động dã ngoại cũng được tổ chức thường xuyên nhằm phục vụ học tập cũng như tạo điều kiện cho học sinh giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhà trường và thực tập hoạt động nhóm, hoạt động tập thể.

Có thể là cuộc dã ngoại ngắn trong một giờ ra xung quanh trường để học về xác định phương hướng, quan sát thực tế về cấu trúc của phố xá, hay là chừng nửa ngày, một ngày đến siêu thị để xem hoạt động của siêu thị ra sao?

Thậm chí, các bé có thể đến đồn cảnh sát để tìm hiểu hoạt động của cảnh sát, đến nhà dưỡng lão để xem người già được chăm sóc ra sao, thực tập ngồi và đẩy xe lăn để hiểu về cuộc sống người tàn tật.

Các bé còn được đến nhà văn hóa cộng đồng, tham quan hoạt động cộng đồng và tham gia một số sinh hoạt về văn hóa dân tộc với các cụ cao niên... Vào các mùa thì có thể là quan sát thiên nhiên, cảm nhận các yếu tố về mùa.

Những cuộc dã ngoại gần thì thầy trò cuốc bộ cùng nhau, có khi cả tiếng đồng hồ. Các cuộc dã ngoại xa thì sẽ đi bằng xe buýt hay tàu điện tới các địa điểm lịch sử, văn hóa, thiên nhiên.

Đây là những dịp học sinh được học hỏi trên thực tế rất nhiều điều, không chỉ là kiến thức, kỷ luật mà còn là ứng xử với bạn bè, với những người xung quanh, cách quản lý chi tiêu (vì học sinh chỉ được phép mang một số tiền hạn chế và chỉ được phép mua trong số đó), luật lệ giao thông, ứng xử nơi công cộng.

Lên lớp 5 và 6, các em có hai chuyến dã ngoại hai đêm một ngày. Đây là những chuyến đi được học sinh rất mong đợi vì phải xa nhà, tự lập (được tự lập, ra dáng người lớn) và có nhiều kỷ niệm với nhau vì được cùng ăn, cùng ở với nhau suốt chuyến đi.

Dã ngoại ở tiểu học và THCS ở Nhật Bản

Nguồn ảnh: Internet

Những chuyến đi thế này được chuẩn bị vô cùng cẩn thận, chu đáo đến từng chi tiết trước cả mấy tháng trời từ chuyện đồ ăn đồ uống, danh sách vật dụng mang đi đầy đủ, sức khỏe....

Mọi băn khoăn lo lắng của phụ huynh đều được giải đáp đến nơi, đến chốn. Việc tổ chức dã ngoại cho các bé rất chặt chẽ và giáo viên quan tâm đến từng yếu tố nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.

Chính vì được tổ chức chu đáo, tính đến mọi yếu tố ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân, tâm sinh lý của lứa tuổi, giới tính và an toàn của học sinh nên các chuyến đi đều mang lại niềm vui, những kỷ niệm đẹp cho học sinh và phụ huynh an tâm.

Đặc điểm của các chuyến đi thường là đến những địa danh văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và nơi đó không quá khó quản lý cho giáo viên. Những nơi vui chơi đô hội, nhốn nháo, khả năng bao quát khó thường không phải là sự lựa chọn cho các cuộc dã ngoại.

Các trường tiểu học, trung học luôn chú trọng địa điểm dã ngoại mang đến điều gì đó cho học sinh như đó là nơi thiên nhiên an toàn, phong phú, để học sinh học hỏi hay làng nghề truyền thống để học sinh biết về một thời kỳ lịch sử, về một loại sản phẩm độc đáo nào đó của địa phương. Đó có thể là địa danh văn hóa đặc sắc của dân tộc, kể cả đi leo núi thì cũng phải là nơi thích hợp với sức khỏe của học sinh..

Những chuyến dã ngoại được tổ chức chu đáo, cụ thể trước khi đi một thời gian dài nên học sinh ngấm và thấu hiểu những gì được phép và không được phép làm trong chuyến đi nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình và từ mỗi cá nhân sẽ ảnh hưởng tới tập thể.

Giáo viên hiểu tâm lý học sinh và biết cách gắn bó, ràng buộc học sinh với tập thể, với những luật lệ của chuyến đi để không có những đáng tiếc xảy ra. Khi ở Nhật, trong chuyến dã ngoại xa một đêm hai ngày thì phụ huynh phải chuẩn bị cơm trưa cho học sinh ở ngày đầu.

Phụ huynh được yêu cầu chuẩn bị suất ăn trong hộp đựng có thể vứt đi sau khi dùng. Ở trường Nhật tại London, học sinh đi dã ngoại xa thì tận 2 đêm xa nhà và bữa trưa các ngày trong quá trình di chuyển nhiều nơi nên học sinh được phép tự mua đồ ăn trưa.

Để chuẩn bị cho điều này, nhà trường giúp học sinh làm quen với chuyện mua đồ ăn từ trước chuyến đi. Học sinh đi dã ngoại hai lần đến hai đô thị khác nhau ở gần trường và tập mua đồ ăn ở các hiệu ăn của người Anh do nhà trường lựa chọn từ trước.

Nhằm tránh bỡ ngỡ lúc ban đầu, các phụ huynh còn được bố trí bí mật ở các quầy phục vụ để giúp các em ngay khi cần. Và nhà trường sẽ lắng nghe ý kiến các em có những khó khăn gì để có cách hướng dẫn các em tự làm được thông suốt.

Rõ ràng chuyện mua đồ ăn xem ra không có gì là khó khăn quá, nhưng để cho chuyến đi không có trục trặc hay ấn tượng buồn với học sinh nào thì nhà trường đã chu đáo đến thế.

Cá nhân tôi cho rằng, ở Việt Nam, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra cho con em mình khi đi dã ngoại với nhà trường thì phụ huynh cần yêu cầu nhà trường nắm vững thông tin nơi đến và đòi hỏi nhà trường phải có kế hoạch chu đáo cho con em mình. Cá nhân phụ huynh cũng nên kiểm tra thông tin về nơi đến của cuộc dã ngoại và có những chuẩn bị riêng cho con mình.

Rõ ràng, đi dã ngoại là hoạt động rất tốt, bổ ích cho học sinh, nên nếu vì lý do an toàn cho con em mà không cho trẻ tham gia thì cũng thiệt thòi cho trẻ. Nhưng nếu việc tổ chức không chu đáo thì tất nhiên, tôi không phản đối phương án không cho trẻ tham gia nếu thấy không an toàn vì dù sao sự sống của con em mình vẫn là ưu tiên hàng đầu.

 Xem thêm: Dã ngoại an toàn cho trẻ mầm non của người Nhật  

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!