Đánh bại bệnh tật bằng 'liệu pháp thực phẩm'

Dinh dưỡng - 11/24/2024

Xưa nay cổ nhân thường nói, đại ý, bệnh tật từ miệng mà vào, tai họa từ miệng mà ra là để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ăn uống. Nay, điều này hoàn toàn đúng, được khoa học chứng minh, không chỉ đẩy lùi bệnh tật mà còn tăng cường sức khỏe và vẻ đẹp cho con người.

Bảo vệ cơ thể bằng thực phẩm

Đồ ăn thức uống là nguyên liệu quan trọng giúp chúng ta tồn tại, vì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe toàn thân, cả thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt nâng đỡ hệ miễn dịch trong các giai đoạn khác nhau của đời người. Chúng ta cần một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, nhiều màu sắc từ các loại rau xanh, các loại đậu, hạt, cá, thịt, trứng và sữa... Bên cạnh đó, trong chế độ ăn hàng ngày, chúng ta có thể bổ sung các bữa ăn phụ với các chế phẩm giàu vitamin và khoáng chất, lợi khuẩn cần thiết cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe.

Ngược lại nếu thiếu khoa học sẽ để lại hậu quả xấu. Điều này hiển thị bằng dưỡng chất thu nạp vào cơ thể. Nếu thỏa đáng, mọi hoạt động, chức năng của cơ thể sẽ trơn tru và có thêm cả phần dự phòng khi đột xuất. Nếu thiếu hụt so với nhu cầu cần thiết, cơ thể buộc phải lấy từ kho dự trữ bù vào, khi kho cạn, đồng nghĩa sức khỏe sẽ bị đe dọa, phát sinh bệnh tật và dễ mắc bệnh, nhất là khi dịch bệnh bùng phát như hiện nay do sức đề kháng giảm mạnh.

Bên cạnh hai xu hướng trên, ăn quá nhiều hay cung lớn hơn cầu cũng sẽ phát sinh tình trạng bất lợi. Ví dụ, sắt rất cần cho việc tạo huyết cầu tố, nhưng một khi thừa chuyển sang gan sẽ gây suy gan; giống như lạm dụng thuốc chữa bệnh, nhất là dài kỳ, hậu quả trầm trọng thêm các bệnh kinh niên như tim mạch, ung thư, cao huyết áp, tai biến não hay đái tháo đường. Nếu dinh dưỡng sai lại có thêm cuộc sống ít vận động thể chất, sức khỏe càng xuống dốc không phanh, thậm chí còn gây hệ lụy cho đời sau nếu đang trong giai đoạn sinh sản.

Cơ thể thật sự khỏe mạnh khi có hệ thống miễn dịch khỏe - được ví như 'đội quân hùng mạnh của một quốc gia', chống các các tác nhân ngoại lai xâm nhập. Điều này đã được minh chứng khá rõ ở trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng, người già, nhóm mắc các bệnh mạn tính, có HIV/AIDS…, nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp và bệnh tiêu chảy cao hơn so với những người khỏe mạnh, như các trường hợp nhiễm COVID 19 đang vào mùa như hiện nay chẳng hạn.

Chế độ ăn uống để khỏe nhìn ở góc khoa học

Nghiên cứu của ĐH Y khoa Harvard cho biết, ăn uống hợp lý, lành mạnh có thể cứu sống con người trong lúc dịch bệnh lên đỉnh điểm. Theo nhóm nghiên cứu, các hợp chất cụ thể trong một số loại thực phẩm có thể tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể, phòng ngừa và hỗ trợ trong quá trình trị bệnh. Nếu làm việc tốt, chúng sẽ giữ cho cơ thể khỏe mạnh, nhưng khi căng thẳng, ăn uống kém và tiếp xúc những chất độc hại, như ô nhiễm không khí, thực phẩm bẩn... sẽ làm tăng áp lực, khiến hệ thống miễn dịch suy giảm.

Đánh bại bệnh tật bằng 'liệu pháp thực phẩm'

Dựa trên hơn 30 năm nghiên cứu y khoa và thực hiện trên 700 đề tài khoa học khác nhau liên quan đến thực phẩm và đề kháng cơ thể, nhóm nghiên cứu đã phát hiện các hệ thống phòng thủ cần được bảo vệ và tăng cường dựa trên ăn uống cùng lối sống lành mạnh để tạo ra các trụ cột quan trọng cho sức khỏe cơ thể, bao gồm: hệ thống miễn dịch, tế bào gốc, gien di truyền ADN, vi khuẩn đường ruột và hoạt động phức tạp của hệ thống mạch máu (chuyên môn gọi là quá trình hình thành mạch angiogenesis). Nếu dùng đúng thực phẩm sẽ hỗ trợ các hệ thống này, đặc biệt hệ thồng miễn dịch và vi khuẩn đường ruột, hoạt động trơn tru, tăng sức đề kháng, đánh bại bệnh tật. Các loại thực phẩm tốt nhất chủ yếu là rau xanh và trái cây, nên ăn trên 5 phần ăn (serving)/ngày, tương đương 1 cốc hay bát nhỏ, hoặc 228 gam.

Tuyến phòng thủ quan trọng đầu tiên là giữ cho hệ thống miễn dịch luôn khỏe mạnh. Để làm được điều này mọi người cần có một chiến lược tổng thể, duy trì cuộc sống lành mạnh, ăn uống cân bằng, khoa học, đủ chất, chẳng hạn như tránh xa thuốc lá, áp dụng chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, không lạm dụng rượu bia, ngủ đủ giấc. Thực hiện các bước để tránh nhiễm trùng như rửa tay thường xuyên và nấu thịt kỹ, giảm thiểu stress (căng thẳng)....

Trong các chiến lược nói trên cần trọng tâm tới ăn uống hợp lý để duy trì sức khỏe bền vững. Từ lâu khoa học đã phát hiện thấy những người sống trong nghèo đói, suy dinh dưỡng dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Tuy còn phải nghiên cứu thêm về ảnh hưởng của dinh dưỡng đối với hệ thống miễn dịch, nhưng dinh dưỡng thực sự đóng một vai trò quan trọng tới sức khỏe tổng thể, trong đó có hệ miễn dịch. Khoa học đã tìm thấy bằng chứng sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, thiếu hụt kẽm, selen, sắt, đồng, axit folic và vitamin A, B6, C và E.... đã làm thay đổi phản ứng miễn dịch ở động vật, kể cả con người.

Còn theo nghiên cứu của ĐH Y khoa Harvard đề cập ở trên, nếu chọn chế độ ăn uống, thực phẩm chính xác sẽ hỗ trợ cho các chức năng cụ thể, chuyên môn vì đây là 'liều thực phẩm' chính xác để tăng khả năng đề kháng, chống lại chứng mất trí nhớ, huyết áp cao, viêm khớp dạng thấp hoặc tiểu đường type 2... Dư luận thường nói ăn một quả táo mỗi ngày giúp chúng ta không phải đến gặp bác sĩ bởi táo là một nguồn dinh dưỡng thực vật, vitamin và chất xơ tuyệt vời, có chứa chính xác các hợp chất hoạt tính sinh học (cụ thể là caffeic và axit ferulic) mà cơ thể rất cần để chống lại các cơ chế của ung thư bàng quang, ruột kết và phổi.

Thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng có thể kể đến tỏi, gừng, bưởi (giàu vitamin C, bioflavonoid), nấm (giàu Selenium, vitamin C và niacin...) có tác dụng kháng virus, kháng khuẩn; các loại rau có màu sắc như xanh, vàng và cam (giàu carotenoids), súp lơ, bông cải, ớt... (giàu vitamin các loại, chất chống oxy hóa, choline, glutathione...); nhóm quả mọng (giàu vitamin và chất chống oxy hóa); các loại hạt khô (giàu protein, omega 3, axit béo, vitamin E và chất chống oxy hóa...). Tiếp đến là thịt, sữa, trứng, nhất là lòng đỏ trứng (có hàm lượng protein, kẽm, selen và các khoáng chất rất quan trọng khác cao), hàu, tôm cua,... giàu kẽm, tốt cho sinh lý đồng thời có lợi cho miễn dịch.

Tuyến phòng thủ quan trọng thứ hai trong năm trụ cột này là vi khuẩn đường ruột. Đây là một cộng đồng phức tạp các vi sinh vật sống trong các vùng tiêu hóa của con người và động vật, kể cả côn trùng. Ruột là một trong những nơi thích hợp cho vi sinh vật cộng sinh với số lượng khổng lồ, hỗ trợ cung cấp một rào cản đối với sinh vật gây bệnh. Tầm quan trọng của hệ khuẩn đường ruột mang tính tổng thể, thực sự có chức năng như một cơ quan nội tiết. Các nhà khoa học khẳng định rối loạn hoạt động của hệ vi sinh vật đường ruột tương quan với một loạt các tình trạng viêm và tự miễn dịch.

Nhằm giúp hệ vi sinh đường ruột phát triển tốt cần áp dụng nguyên tắc đa dạng các loại thực phẩm để phù hợp với hàng trăm loài lợi khuẩn khác nhau. Ăn nhiều rau, cây họ đậu, đậu hạt và trái cây, đây là nguồn dinh dưỡng tốt, giàu chất xơ mà cơ thể không thể tiêu hóa được hoặc bổ sung thêm các bữa ăn phụ với các chế phẩm giàu vitamin và khoáng chất, lợi khuẩn cần thiết để nuôi dưỡng hệ vi khuẩn đường ruột, biến đổi có lợi cho hệ tiêu hóa, nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức khỏe.

Riêng phụ nữ nên nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất sáu tháng để giúp hệ vi sinh vật của trẻ sơ sinh phát triển tốt, ít mắc bệnh, đặc biệt là nhóm bệnh viêm nhiễm. Không ăn quá nhiều chất làm ngọt nhân tạo, chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến vi khuẩn đường ruột, tăng lượng đường trong máu và khiến phản ứng insulin bị suy giảm, phát sinh bệnh đái tháo đường.

Một nghiên cứu khác liên quan đến thực phẩm để chữa bệnh của Mỹ cũng khẳng định, dinh dưỡng phù hợp là vô cùng quan trọng đối với chăm sóc sức khỏe tại gia hay y tế hỗ trợ (Home health). Nhiều bệnh nhân cao niên có thể gặp khó khăn khi nhai và ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, nhưng nếu được bổ sung dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp phục hồi nhanh. Kết luận này dựa trên nghiên cứu ở hơn 1.500 bệnh nhân trong 90 ngày. Cụ thể, dinh dưỡng rất hữu ích cho chăm sóc sức khỏe tại gia, giảm tới 18% khả năng phải nhập viện trong vòng 90 ngày, đặc biệt là bổ sung đồ uống dinh dưỡng phù hợp. Mặc dù mỗi bệnh nhân có nhu cầu dinh dưỡng và khả năng ăn uống khác nhau, nhưng duy trì một kế hoạch dinh dưỡng tốt sẽ làm tăng khả năng phục hồi, giảm nguy cơ mắc bệnh khi thực hành chăm sóc y tế tại gia.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!