Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị tay chân miệng nặng phải vào viện

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Quấy khóc khác thường, sốt cao không hạ và giật mình là triệu chứng rất sớm báo hiệu nguy cơ bệnh tay chân miệng có thể diễn biến nặng lên.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị tay chân miệng nặng phải vào viện

BS Lan Anh khám cho bệnh nhi

Theo Ths. BS. Lê Lan Anh – Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra, lây từ người sang người, chủ yếu theo đường tiêu hoá, dễ gây thành dịch, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi nhỏ đặc biệt là nhóm tuổi mẫu giáo. Biểu hiện của bệnh có nhiều mức độ khác nhau có thể chỉ biểu hiện tại da niêm mạc, cũng có thể diễn biến phức tạp và có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... thậm chí dẫn đến tử vong.

Biểu hiện ban đầu của chân tay miệng là sốt, thông thường sốt nhẹ, có thể không sốt hoặc sốt thoáng qua nhưng có thể sốt rất cao. Tiếp theo xuất hiện các tổn thương ở da niêm mạc. Ở miệng thường có các nốt phỏng nước sau vỡ thành các vết loét, bội nhiễm có mủ, xung quanh miệng có thể có các ban đỏ. Trên lòng bàn tay, bàn chân có các nốt phỏng nước nổi cộm trên mặt da, tổn thương da có thể gặp ở mông, đầu gối.... Ngoài ra trẻ có thể có các biểu hiện nhiễm virus như viêm long đường hô hấp, tiêu chảy ....

Chuyên gia Nhi khoa cũng lưu ý, trẻ có thể bị nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần vì mỗi lần nhiễm, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định, trẻ có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm chủng vi rút khác thuộc nhóm enterovirus.

Hiện nay chưa có vacccine phòng bệnh và thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng. Trẻ cần được uống nhiều nước và dùng các thuốc điều trị triệu chứng như: hạ sốt, giảm đau do các vết loét. Cũng có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng các biện pháp vệ sinh chặt chẽ và can thiệp y tế kịp thời khi trẻ có các triệu chứng bất thường báo hiệu diễn biến nghiêm trọng.

Ở các ca bệnh ở thể nhẹ: trẻ sốt những vẫn có kiểm soát được nhiệt độ bằng thuốc hạ nhiệt, trẻ tỉnh táo, vẫn ăn uống được... bác sĩ sẽ hướng dẫn gia đình theo dõi, điều trị tai nhà bằng thuốc hạ sốt, vệ sinh răng miệng bằng các dung dịch sát khuẩn dịu nhẹ, bôi các nốt phỏng bằng các dung dịch sát khuẩn betadin, xanh methylen, uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ dễ tiêu, tăng cường vitamin bằng hoa quả tươi và thường trẻ sẽ tự khỏi sau 1 tuần mắc bệnh.

Tuy nhiên, BS. Lan Anh cho biết, có những dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng chuyển sang độ nặng, trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời như: sốt cao liên tục, không kiểm soát được nhiệt độ dù đã được dùng thuốc hạ nhiêt, mệt mỏi li bì, giật mình cả khi thức lẫn khi ngủ, quấy khóc liên tục bất thường. “Giật mình là một trong những triệu chứng sớm của nhiễm độc thần kinh do nhiễm virus. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, lúc ngủ, quan sát tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. Nếu trẻ có các triệu chứng giật mình, quấy khóc nhiều hoặc sốt cao liên tục, khó kiểm soát nhiệt độ, các mẹ cần đưa bé đến ngay bệnh viện để theo dõi phát hiện sớm các biến chứng nặng nề”- BS. Lan Anh khuyến cáo.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, chuyên gia khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!