Dấu hiệu đột quỵ và cách xử lý ai cũng phải biết

Sức khỏe nam giới - 04/27/2024

Việc nhận biết kịp thời các dấu hiệu đột quỵ như cao huyết áp, tê liệt tay chân,... và biết cách xử lý hiệu quả có vai trò quyết định trong việc cứu sống tính mạng của bệnh nhân.

Theo báo cáo của Tổ chức Đột quỵ Thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong vì căn bệnh này. Khả năng nhận biết các dấu hiệu đột quỵ đóng vai trò quyết định trong việc cứu sống tính mạng của bệnh nhân.

Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng ai đó đang trải qua một cơn tai biến thì việc bạn cần làm là đưa họ đi cấp cứu càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó, bạn nên tìm hiểu thêm những khái niệm về đột quỵ, dấu hiệu đột quỵ và cách xử lý để đề phòng những trường hợp khẩn cấp.

Đột quỵ là gì?

Bệnh đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng xảy ra khi thiếu máu lưu thông lên não do những cục máu đông trong mạch máu hoặc do vỡ mạch máu.

Nếu như nguyên nhân gây ra cơn tai biến là những cục máu đông thì bệnh nhân cần uống thuốc tiêu huyết khối trong vòng vài phút hoặc vài giờ đồng hồ sau khi cơn tai biến xảy ra cũng như cần đến sự can thiệp của bác sĩ. Các biện pháp dùng thuốc và can thiệp này thật sự rất cần thiết vì chúng sẽ gia tăng cơ hội hồi phục ở bệnh nhân.

Trong những trường hợp này, những người ngoài cuộc thường sẽ tỉnh táo hơn bệnh nhân, do đó bạn cần phải nắm bắt tình hình và nhanh chóng sơ cứu cho họ kịp thời.

Triệu chứng rối loạn chức năng não bộ bạn cần lưu ý

Cơn đột quỵ thường biểu hiện ra bằng các dấu hiệu như mất khả năng nói, thay đổi nét mặt và lú lẫn. Bệnh nhân thường gặp khó khăn khi nói hoặc khi cố gắng hiểu một cuộc đối thoại nào đó.

Những triệu chứng khác liên quan đến tình trạng sụp đổ của não bộ bao gồm hoa mắt, mất phương hướng, mất thăng bằng và hay có những cơn đau đầu bất chợt.

Cơn tai biến còn có thể gây ảnh hưởng đến một vài bộ phận khác trên cơ thể bao gồm:

  • Không nhìn rõ ở một hoặc cả hai bên mắt;
  • Tay, chân và mặt bị yếu hoặc tê liệt, đa phần là ở một bên cơ thể. Triệu chứng này thường tấn công một cách đột ngột;
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa;
  • Mệt mỏi toàn thân;
  • Đột nhiên khó đi lại.

Đàn ông thường ít nhận ra các dấu hiệu đột quỵ

Một cuộc khảo sát năm 2003 đã được thực hiện bởi tạp chí American Journal of Preventive Medicine nhằm mục đích đo lường nhận thức của mọi người dân về những dấu hiệu đột quỵ. Kết quả cho thấy phụ nữ thường hiểu biết về việc nhận biết 5 triệu chứng chính của đột quỵ hơn đàn ông, số liệu được công bố như sau:

  • Lú lẫn đột ngột và khó khăn khi nói: 90 % phụ nữ tự nhận thấy nhưng chỉ 85 % nam giới nhận ra;
  • Tình trạng tê liệt hoặc suy yếu cơ mặt, cánh tay và chân: 95% phụ nữ cảm thấy có dấu hiệu này, trong khi chỉ 93% nam giới cảm nhận rõ ràng;
  • Gặp vấn đề thị giác: 69% phụ nữ phát hiện thấy mình mắc chứng này. 67 % nam giới cho rằng mình như vậy;
  • Mất thăng bằng: 87% phụ nữ nhận thức được tình trạng và 85 % đàn ông thừa nhận cảm giác này;
  • Đau đầu dữ dội: 65% phụ nữ thông báo mình có triệu chứng nhưng chỉ 58 % đàn ông công nhận thường xuyên bị như vậy.

Những con số trên cho thấy đàn ông khá lơ là với dấu hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe của mình hơn phụ nữ. Vì vậy, là người thân, bạn cần phải chú ý hỏi thăm, nhắc nhở bạn trai hoặc chồng hay bố mình về 5 dấu hiệu đột quỵ kể trên để đi thăm khám kịp thời.

Tham khảo thêm: Liệu nhức đầu có phải là dấu hiệu của đột quỵ?

Dấu hiệu đột quỵ và cách xử lý ai cũng phải biết

Xử lý như thế nào khi một người có dấu hiệu đột quỵ?

Tự bản thân bệnh nhân không có khả năng tự gọi cấp cứu vì họ không thể nhấc cánh tay lên và nói một cách rõ ràng, thậm chí là rối loạn và mất luôn nhận thức. Đó là lý do việc nhận ra những triệu chứng báo hiệu là rất quan trọng.

Nếu bạn cho rằng ai đó có thể đang có dấu hiệu đột quỵ, bạn nên kiểm tra 3 điều sau đây và sau đó hãy hành động càng sớm càng tốt:

  • Gương mặt: bạn nên kiểm tra xem người mà bạn nghi ngờ có tai biến có thể cười hay không và gọi cấp cứu ngay nếu một bên mặt của người đấy xệ xuống so với bên còn lại;
  • Cánh tay: bạn nên yêu cầu họ giơ cánh tay lên và nếu như một trong hai bên cánh tay chùng xuống phía dưới thì hãy mau chóng gọi cấp cứu;
  • Khả năng nói chuyện: bạn nên yêu cầu họ lặp lại một cụm từ đơn giản, chú ý những lời nói lắp hoặc khó hiểu.

Bạn nên lưu ý không tự lái xe chở bệnh nhân đến bệnh viện vì những nhân viên y tế hiểu rõ những việc cần làm hơn bạn và họ có thể bắt đầu việc điều trị cho bệnh nhân ngay trên xe cấp cứu trên đường đến bệnh viện.

Tầm quan trọng của việc hành động nhanh chóng

Mỗi phút giây đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mạng sống của bệnh nhân đột quỵ. Loại tai biến thường gặp nhất là khi có cục máu đông chặn dòng máu lên não. Một loại thuốc có tên là t-PA có thể làm tan các cục máu đông. Bệnh nhân cần phải được đưa đến bệnh viện trong vòng 1 giờ để chẩn đoán và bắt đầu điều trị trong vòng 3 giờ.

Nếu những người thân trong gia đình, bạn bè hoặc những người hàng xóm gần bên bạn biết được những triệu chứng của cơn tai biến thì bạn sẽ nhận được sự trợ giúp kịp thời từ họ khi cơn tai biến xảy ra. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể đánh giá nguy cơ bị đột quỵ và giúp bạn kiểm soát những yếu tố đấy tốt hơn.

Bạn cũng cần biết là có hơn một nửa những cơn tai biến có thể được phòng ngừa hiệu quả. Bằng cách kiểm soát tốt những dấu hiệu tai biến mạch máu não, bạn hoàn toàn có thể ngăn chặn những vấn đề xấu xảy ra với sức khỏe.

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ có thể kiểm soát được bao gồm:

  • Chứng cao huyết áp;
  • Rung nhĩ;
  • Bệnh tiểu đường không được kiểm soát;
  • Mỡ cao trong máu;
  • Hút thuốc lá;
  • Uống quá nhiều rượu;
  • Thừa cân, béo phì;
  • Đang mắc bệnh động mạch chủ hoặc động mạch vành.

Các yếu tố nguy cơ tai biến không thể kiểm soát bao gồm:

  • Tuổi tác (những người trên 65 tuổi);
  • Giới tính (đàn ông thường bị đột quỵ nhiều hơn, tuy nhiên phụ nữ lại dễ gặp phải các cơn đột quỵ chết người hơn);
  • Chủng tộc (người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị tai biến cao hơn);
  • Tiền sử gia đình có người bị tai biến.

Có một số người không biểu hiện dấu hiệu trước khi cơn đột quỵ xảy ra. Do đó, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện ra vấn đề sớm hơn trước khi chúng trở nên nghiêm trọng. Hãy nhớ báo lại cho bác sĩ biết tất cả những triệu chứng hoặc yếu tố nguy cơ gây ra tai biến nhé.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Liệt nửa thân người khi đột quỵ
  • Gia đình cần làm gì sau khi người thân bị tai biến mạch máu não
  • Đời sống tình dục sau khi bị đột quỵ
  • Ảnh hưởng của đột quỵ đối với sức khỏe như thế nào?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!