Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, vitamin D đóng vai trò rất quan trọng trong quá hình hấp thu canxi và photpho qua đường tiêu hóa. Vitamin D cùng hormone cận giáp kích thích chuyển hóa canxi và photpho, làm tăng quá trình lắng đọng canxi để bồi đắp xương. Lượng vitamin D đầy đủ trong cơ thể là điều kiện thiết yếu để canxi và photpho được gắn trong mô xương. Đây được xem là một vi chất quan trọng giúp điều hòa cân bằng nội môi của canxi và photpho trong cơ thể.
Ảnh minh họa: parents.
Thiếu hụt vitamin D gây còi xương ở trẻ và loãng xương ở người lớn. Trẻ thiếu vitamin D trong vài tháng bắt đầu xuất hiện dấu hiệu biến đổi xương. Những bà mẹ bị mềm xương dễ sinh ra con còi xương.
Bác sĩ Nguyệt chỉ ra những dấu hiệu nhận biết trẻ bị thiếu vitamin D như sau:
Dấu hiệu sớm: Các dấu hiệu của hệ thần kinh.
- Trẻ hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không yên giấc, hay giật mình do thần kinh bị kích thích.
- Ra nhiều mồ hôi về ban đêm, ngay cả khi trời lạnh (mồ hôi trộm).
- Rụng tóc ở vùng gáy (dấu hiệu chiếu liếm).
- Chậm phát triển thể lực, trương lực cơ giảm (cơ nhão), da xanh, lách to.
Dấu hiệu muộn: Các dấu hiệu ở xương.
- Các biểu hiện rối loạn ở xương có thể xuất hiện ở những xương khác nhau, tùy theo tuổi của trẻ và mức độ nặng nhẹ của bệnh.
- Chậm mọc răng và răng mọc không cân đối, chậm biết lẫy, bò, đi...
- Thóp rộng, bờ thóp mềm, lâu liền thóp.
- Biến dạng hộp sọ, xương sọ mềm, ấn lõm, trở lại bình thường khi nhấc tay ra (dấu hiệu quả bóng bàn), đầu bẹt.
- Bướu xương sọ, thường ở vùng trán và đỉnh.
- Đầu xương cổ tay to, phì đại thành 'vòng cổ tay'.
- Chuỗi xương sườn và biến dạng lồng ngực, chân vòng kiềng, cong vẹo cột sống.
- Có thể bị co giật do hạ canxi máu.
- Còi xương là bệnh tiên phát ở trẻ nhỏ khiến cẳng chân bị biến dạng và chậm phát triển thể lực. Biến dạng xương ở thời kỳ thơ ấu có thể để lại di chứng cho thời kỳ trưởng thành, xương sống dễ bị gù, vẹo và hẹp khung chậu.
Cách phòng chống thiếu vitamin D đơn giản nhất là chế độ ăn uống và tắm nắng đúng cách. Nắng mặt trời cung cấp từ 90 đến 95% lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Khi tắm nắng trẻ cần đội mũ, đeo kính râm để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu. Không sử dụng các loại kem để bôi vào da suốt thời gian tắm nắng.
Bà mẹ có thai và cho con bú nên tắm nắng hàng ngày, để lộ chân tay tiếp xúc ánh nắng mặt trời từ 15 đến 20 phút vào trước 8h sáng hoặc trong khoảng 16 đến 17h chiều. Với trẻ em, cần tắm nắng ở nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng. Nên tập thói quen tắm nắng hàng ngày ngay từ tháng đầu sau sinh, để lộ chân, tay, lưng, bụng, ngực cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Thời gian tắm nắng tốt nhất từ 15 đến 20 phút.
Về chế độ dinh dưỡng, nên ăn uống đa dạng các loại thực phẩm với đầy đủ 4 nhóm chất. Ưu tiên thực phẩm giàu vitamin D như cá, lòng đỏ trứng, gan, dầu cá. Tăng cường các thực phẩm bổ sung vitamin D như sữa, bột dinh dưỡng cho trẻ em, bột mì, bánh qui, margarin, dầu ăn, ngũ cốc…
Khẩu phần hàng ngày nên chú ý đến các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, sản phẩm từ sữa như sữa chua, bánh flan, phomat. Ưu tiên cá nhỏ nguyên xương, tôm tép nguyên vỏ chứa nhiều canxi hơn. Đặc biệt, canxi trong sữa dễ hấp thụ hơn canxi từ các nguồn thực phẩm khác.
Thức ăn cần có đủ chất béo từ dầu, mỡ đóng vai trò là dung môi giúp tăng hấp thu vitamin D. Ngoài ra chế độ ăn cần có đủ đạm, vitamin và khoáng chất như magie, kẽm, cân đối tỷ lệ canxi/photpho…
Bác sĩ Nguyệt lưu ý mọi người không nên tự bổ sung vitamin D dưới dạng thuốc bổ mà cần có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Nạp vào cơ thể lượng vitamin D quá nhiều có thể gây chứng thừa vitamin D, gây chán ăn, nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy, có albumin trong nước tiểu, sỏi thận, sỏi bàng quang, cao huyết áp… Lúc này cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để can thiệp ngay.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!