Đau nhức cơ bắp thường là triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau. Triệu chứng thường gặp là đau cơ, căng cơ và co rút cơ. Đau cơ bắp có thể xảy ra ở một chỗ hay nhiều chỗ do vận động quá mức, tổn thương cơ khi vận động, viêm cơ, bệnh về cơ... Việc sử dụng thuốc điều trị đau cơ bắp phải tùy từng trường hợp và cần có chỉ định của bác sĩ. Phần lớn các trường hợp đau cơ bắp thường tự khỏi hoặc sau thời gian ngắn điều trị bằng thuốc. Thông thường có thể điều trị bằng thuốc uống hoặc thuốc dùng ngoài da.
Thuốc uống
Thường là thuốc giảm đau như ibuprofen và paracetamol (acetaminophen). Nếu có sử dụng một loại thuốc nào khác trong thời gian này nên báo cho bác sĩ biết để phòng ngừa tương tác thuốc hay tác dụng phụ của thuốc.
Ngồi lâu dễ mắc chứng đau nhức cơ bắp.
Đối với ibuprofen, do thuốc có nhiều tác dụng phụ nên thận trọng khi sử dụng cho trẻ em và phải có chỉ định của bác sĩ. Cần dùng đúng liều chỉ định, uống cách nhau mỗi 6-8 giờ (khi cần thiết).
Đối với paracetamol, dùng đúng liều khuyến cáo của nhà sản xuất trong hướng dẫn sử dụng hoặc theoo chỉ định của thầy thuốc. Cách 4-6 giờ dùng lại một lần (nếu vẫn còn đau).
Hiện nay trên thị thường có thuốc phối hợp ibuprofen và paracetamol với các tên biệt dược khác nhau. Vì vậy, khi mua thuốc cần đọc kỹ thành phần này.
Ngoài ibuprofen và paracetamol là thuốc thông thường chữa đau cơ bắp, trong những trường hợp đau nhức nhiều có thể sử dụng một số thuốc khác với chỉ định của bác sĩ gồm: diclofenac, naproxen (hai loại thuốc này thuộc nhóm chống viêm không steroid); thuốc kháng viêm corticosteroid; thuốc giãn cơ như: baclofen, cyclobenzaprine, carisoprodol, eperisone; thuốc chống trầm cảm như: citalopram, fluoxetine, sertraline, amitriptyline...; thuốc chống co giật như gabapentin, carbamazepine, pregabalin.
Tuy vậy, không phải tất cả các loại thuốc đều thích hợp với bệnh lý đau cơ bắp, do đó không được tự ý điều trị mà phải có chỉ định của bác sĩ. Hơn nữa, các loại thuốc giảm đau này có nhiều tác dụng phụ, vì vậy người dùng tuyệt đối không được tự ý sử dụng.
Thuốc dùng ngoài
Thuốc dùng ngoài để điều trị đau cơ bắp thường là thuốc xoa hay dán. Thuốc xoa gồm các loại có hoạt chất methyl salicylate đơn thuần hoặc phối hợp một số chất khác. Trên thị trường có nhiều loại sản phẩm khác nhau với nhiều tên biệt dược hay các loại dầu gió thông thường. Khi xoa trên da, thuốc có tác dụng thấm vào bên trong giúp giảm đau nhức cơ, xoa mỗi ngày 3 - 4 lần. Thuốc dán cũng bao gồm các loại thuốc có hoạt chất chính là methyl salicylate phối hợp với manthol, camphor và capsaicin dùng để dán ở ngoài da tại vị trí cơ bị đau.
Các trường hợp đau nhức cơ bắp được điều trị bằng các loại thuốc thông thường nêu trên không đỡ, cần đi khám ngay bác sĩ để chẩn đoán xác định nguyên nhân cụ thể nhằm có chỉ định điều trị bằng thuốc phù hợp.
Chữa trị không dùng thuốc và phòng ngừa
Đau cơ bắp có thể điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như tập vận động, massage xoa bóp thư giãn vùng cơ bị đau, chườm đá lạnh... Các bác sĩ khuyến cáo nên thực hiện biện pháp phối hợp gồm nghỉ ngơi, chườm đá lạnh, băng ép và nâng vùng đau lên cao. Có thể ngâm mình trong bồn nước nóng khoảng 20 phút hoặc chườm ấm tại vùng cơ bị đau. Dùng ống lăn để massage tại nhà ở khu vực cơ bị đau. Châm cứu hay vật lý trị liệu cũng góp phần điều trị tốt đau nhức cơ bắp.
Để chủ động phòng ngừa đau nhức cơ bắp, cần thực hiện động tác co duỗi cơ một lúc trước và sau khi vận động. Trước khi tập thể dục theo bài tập, cần bắt đầu với quá trình làm nóng cơ thể. Chú ý uống một lượng nước cần thiết, đặc biệt vào những ngày nắng nóng và vận động nhiều.
Ngoài các động tác tập thể dục nhẹ nhàng, có thể tham gia tập luyện thể thao nếu có điều kiện để thúc đẩy cơ bắp vận động tối ưu. Trường hợp làm việc trong điều kiện phải ngồi nhiều, thỉnh thoảng nên đứng dậy và thư giãn cơ bắp một lúc. Lưu ý nên có chế độ ăn uống đầy đủ, uống đủ nước sau tập thể dục thể thao, không nên vận động cơ bắp quá mức bình thường...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!