Dạy con những từ kỳ diệu

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Những câu nói cảm ơn, xin lỗi, cảm phiền, không có chi... là những từ mà nhiều gia đình người Anh dạy khi con bắt đầu học nói.

Tôi đang học tập ở Anh và sống cùng gia đình chủ nhà người Anh. Bữa trước, bé gái - cháu chị chủ nhà tên Eve tới chơi. Cô bé mới 20 tháng tuổi, đang bập bẹ học nói.

Ngồi trong nhà ấm nên bố cô bé muốn cởi bớt áo khoác của bé ra. Ông hỏi: 'Eve, con có muốn cha cởi áo khoác cho con không?'. Cô bé nhanh nhảu trả lời: 'Dạ, vui lòng giúp con ạ!'. Dịch ra dài dòng nhưng trong tiếng Anh thì đơn giản là: 'Yes, please!' Tôi ngạc nhiên trước phản ứng rất ngoan ngoãn, lịch sự của bé thì mẹ bé kể thêm, hai từ đầu tiên mà Eve biết nói và nói nhiều nhất từ 12 tháng tuổi chính là 'Yes, please' dù không phải do họ cố ý dạy mà có thể bởi Eve nghe cha mẹ và những người xung quanh nói hai từ ấy quá thường xuyên.

Quan sát nhiều hơn về trẻ con lẫn người lớn ở đây, tôi phát hiện những từ 'cửa miệng', bật ra gần như một phản xạ không điều kiện của họ chính là 'cảm ơn' (thank you), 'xin lỗi' (sorry), 'cảm phiền/ xin lỗi' (excuse me), 'vui lòng/ làm ơn' (please) và 'không có chi' (you are welcome!). Tôi cũng nhận ra môi trường sống thân thiện, văn minh, lịch sự của họ có được là nhờ một phần không nhỏ của 5 từ/cụm từ kỳ diệu trên (magic words).

Dạy con những từ kỳ diệu

Một người muốn mở lời nói với ai điều gì thì thường bắt đầu bằng 'cảm phiền/ xin lỗi' (excuse me), bước ngang qua mặt người khác cũng 'cảm phiền/xin lỗi' (excuse me hoặc sorry), lỡ đụng nhẹ người khác là vội vàng 'tôi xin lỗi, tôi xin lỗi' rối rít (I'm sorry, I'm sorry), người nào đó kể cả nhỏ tuổi hơn giúp mình dù việc rất đơn giản cũng nói 'cảm ơn' (thank you) chân thành, khi nhận lời 'cảm ơn' từ người khác thì mỉm cười phản hồi 'Không có chi' (You are welcome!).

Những từ này khiến ai đó đang muốn nhăn mặt khó chịu cũng kịp dừng lại mà thư giãn nét mặt, ai muốn lớn tiếng than phiền, trách mắng cũng kịp hạ giọng để trò chuyện một cách tôn trọng nhất người đối diện. Thật kỳ diệu! Những đứa trẻ đã được dạy về ý nghĩa và sức mạnh của từng từ/cụm từ ấy'.

- Cảm phiền/xin lỗi (Excuse me): thể hiện sự nhã nhặn, cho phép chúng ta thu hút sự chú ý của người khác khi họ đang bận rộn nói chuyện hoặc làm điều gì đó hoặc khiến người khác tránh sang một bên nhường lối đi cho mình, xin lỗi vì một lỗi lầm hay nhầm lẫn hoặc mình muốn dừng cuộc nói chuyện với ai....

- Vui lòng/làm ơn (please): thể hiện sự lịch sự khi đề nghị người khác làm gì cho mình và cũng khiến họ sẵn lòng giúp mình làm điều mình muốn. Chẳng hạn: Làm ơn lấy giúp con ly nước.

- Cảm ơn (thank you): thể hiện lòng biết ơn khi người khác giúp đỡ mình dù chỉ là một việc rất nhỏ và cũng khiến họ mong muốn làm nhiều điều khác hơn cho mình trong tương lai. Ví dụ: người khác nhặt giùm trẻ trái bóng, trẻ cũng nên nói lời cảm ơn chân thành.

- Không có chi (You are welcome): Đây là cách phản hồi tốt nhất mỗi khi người khác nói lời cảm ơn chúng ta về những điều chúng ta đã làm cho họ. Câu này không có nghĩa là điều chúng ta làm không có ý nghĩa gì mà đơn giản là chúng ta trân trọng lòng biết ơn của họ và cũng khuyến khích họ duy trì thói quen nói lời cảm ơn.

- Xin lỗi (I'm sorry): chính là câu nói nhiều sức mạnh nhất, thể hiện sự hối lỗi khi lỡ làm điều gì đó sai trái hoặc tổn thương người khác, giúp hoá giải mâu thuẫn, hàn gắn vết thương lòng mình gây ra cho người khác, gìn giữ mối quan hệ...

Dạy con những từ kỳ diệu

Tôi chứng kiến rất nhiều ông bố, bà mẹ ở đây cố gắng dạy con mình những từ trên kèm theo thái độ phù hợp khi nói chúng trong từng tình huống của đời sống hàng ngày, nếu đứa trẻ không nói thì họ lặp lại yêu cầu một cách kiên nhẫn. Có lần, tôi phát sốt ruột thay khi thấy anh hàng xóm kiên quyết bắt đứa con 3 tuổi phải nhặt món đồ chơi mà cô bé vùng vằng vứt xuống đất và nói ‘con xin lỗi’ (I'm sorry) với anh. Cô bé bướng bỉnh không chịu, anh thì nhắc đi nhắc lại yêu cầu của mình bằng giọng nhẹ nhàng cho tới nghiêm khắc (nhưng không quát tháo) suốt 1 tiếng đồng hồ.

Để hình thành được một phẩm chất, một thói quen bền vững ở trẻ, đòi hỏi người lớn phải tác động ở cả ba mặt: nhận thức, tình cảm, hành vi. Ba mặt này có thể tác động theo thứ tự khác nhau. Trẻ bắt đầu học nói từ khoảng 1 tuổi nhưng chủ yếu là bắt chước người lớn một cách máy móc mà chưa hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ. Chính vì vậy, các nhà tâm lý giáo dục khuyên người lớn dạy trẻ có thể bắt đầu từ hành vi. Ví dụ, từ lúc trẻ 7, 8 tháng tuổi, nhiều phụ huynh Việt Nam đã dạy con gật đầu và kêu 'ạ, ạ' dù trẻ chưa hề hiểu đó là biểu hiện sự lễ phép hoặc phụ huynh lại dạy con phải vòng tay chào người khác, nhận đồ bằng hai tay, vẫy tay tạm biệt....trẻ cần làm theo mà không cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa của các hành vi.

Sau mỗi lần trẻ thực hiện hành vi tốt, phụ huynh có thể khen ngợi, bày tỏ sự hài lòng để tạo tình cảm tích cực cho trẻ, khiến trẻ có mong muốn tái lập lại những hành vi ấy. Khi trẻ lớn dần lên, lúc đó, phụ huynh có thể tác động vào mặt cuối cùng - mặt nhận thức bằng cách giúp trẻ hiểu các hành vi đó có ý nghĩa gì, tại sao phải làm như vậy.

Dạy con những từ kỳ diệu

Việc dạy trẻ những từ kỳ diệu cũng có thể áp dụng theo quy trình trên, chẳng hạn yêu cầu trẻ nói 'xin lỗi' khi làm sai, 'cảm ơn' khi nhận sự giúp đỡ, 'làm ơn/vui lòng' khi đề nghị.... nhưng có lẽ hiệu quả nhất chính là phụ huynh làm mẫu cho trẻ qua việc sử dụng những từ ấy mỗi ngày.

Ảnh minh họa: Internet

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!