Sự hồi sinh kỳ diệu của bệnh nhân được ghép phổi thứ hai ở Việt Nam

Thời sự - 04/29/2024

Vừa chỉ tay vào những vết mổ ngang dọc đã lành sau cuộc đại phẫu, anh Ngô Văn Khương (38 tuổi, ở thôn Văn Mỹ, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) vừa kể lại hành trình 'hồi sinh' kì diệu sau ca ghép phổi của mình. Giờ đây, anh đã hoàn toàn có thể tự làm chủ cuộc sống.

Sự hồi sinh kỳ diệu của bệnh nhân được ghép phổi thứ hai ở Việt Nam

Sau hơn 2 tháng ra viện, anh Khương đã có thể làm những công việc nhẹ nhàng. Ảnh: Hoàng Chiến

Cuộc vật lộn với số phận

Ngay khi tỉnh dậy sau ca đại phẫu - ca ghép phổi thành công thứ hai ở Việt Nam do các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thực hiện, anh Khương được cách li nghiêm ngặt, kể cả những người thân trong gia đình. Mọi hoạt động của anh đều vô cùng khó khăn do cơ thể còn yếu. Trong khoảng thời gian này, chỉ có những điều dưỡng và các bác sĩ mới được vào thăm khám.

Trong những ngày đầu, anh không thể ngồi được, 6 chiếc ống xông to bằng ngón tay sộc thẳng vào người, chân tay được giữ cố định không thể cử động. Thế nhưng, điều đó không kinh khủng bằng việc không có người thân bên cạnh chăm sóc.

'Chỉ mấy ngày thôi tôi đã thấy phát điên vì không có ai bên cạnh. Công việc vệ sinh cũng không tự thực hiện được, đã vậy khí quản khi đó vẫn còn đang mở, tôi chỉ có thể ra hiệu cho các bác sĩ. Đã có lúc tôi phải giãy giụa, hất tung cả dây dợ quanh người vì bí bách', anh Khương chia sẻ.

Nhớ vợ, nhớ con, lại vừa lo lắng cho chính bản thân mình nhưng không thể làm gì hơn, khoảng thời gian 3 tuần đó đối với anh Khương như một cuộc vật lộn với số phận. Để rồi cuối cùng, anh là người chiến thắng.

Gặp chồng sau 3 tuần nghẹt thở, chị Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi, vợ anh Khương) tâm sự: 'Lúc đó vừa mừng vừa tủi, lại vừa thấy thương lắm. Hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc. Biết tình hình sức khỏe tiến triến tốt của chồng sau phẫu thuật chúng tôi càng an tâm và biết ơn các y bác sỹ...'.

Những ngày sau đó, anh Khương vẫn thường xuyên nói với vợ gọi điện thoại về nhà để được nhìn thấy các con. 'Lúc đấy vẫn chưa nói được, tôi chỉ biết nhìn các con rồi gật đầu. Thằng con lớn thì luôn động viên tôi mau khỏe để về với chúng nó', anh Khương xúc động kể lại.

Kỳ tích không tưởng

Sự hồi sinh kỳ diệu của bệnh nhân được ghép phổi thứ hai ở Việt Nam

Anh Khương ngày được xuất viện.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, anh Khương vẫn không giấu được niềm phấn khởi khi kể lại ca ghép phổi của mình, mà theo như anh nói: 'Có trong mơ cũng không tưởng tượng được nó diệu kì đến thế'.

Ca phẫu thuật diễn ra trong hoàn cảnh thuận lợi, khoảng thời gian chờ đợi để được ghép phổi chỉ có 4 ngày, cùng với đó là tình hình sức khỏe tiến triển tốt. 'Các bác sĩ vẫn nói với tôi rằng họ không thể tin được tôi có thể may mắn đến vậy, vừa may mắn vì phổi của người hiến tạng sau chết não hoàn toàn trùng khớp với tôi, vừa may mắn vì sức khỏe tôi tiến triển nhanh hơn họ nghĩ', anh Khương chia sẻ thêm.

Xuất viện từ ngày 4/10, đến nay anh Khương đã hoàn toàn có thể tự sinh hoạt cá nhân như những người bình thường. Ngoài ra, anh còn có thể tưới rau ở mảnh vườn trước nhà giúp vợ vào mỗi buổi chiều. Các vết mổ của anh cũng lành rất nhanh và không còn đau nhức. Dù vẫn phải thường xuyên đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài nhưng anh luôn cảm thấy vui vẻ, yêu đời. 'Đến bây giờ thì tôi đã mừng được 80% rồi, tự nhiên tôi cũng thấy mình khác đi, như được sống lại và trẻ lại lần thứ hai vậy. Từ khi xuất viện đến giờ, tôi đã tăng được vài cân, da dẻ cũng mỏng hơn và hồng hào hơn, quả thực là không gì vui bằng', anh Khương phấn khởi kể.

Từ ngày anh Khương xuất viện, gia đình anh cũng trở nên đầm ấm và rộn tiếng nói cười, cả nhà không còn ám ảnh bởi tiếng kêu của chiếc máy thở anh Khương vẫn dùng trước đó. Anh Khương cũng lên kế hoạch dự định cho năm mới: 'Trong năm tới, nếu sức khỏe cứ như thế này thì tôi không cần vợ phải thường xuyên ở nhà chăm sóc nữa, tôi cũng không muốn mình trở thành gánh nặng của gia đình. Tôi tin rằng chỉ một thời gian nữa thôi là mình có thể tiếp tục đi lái xe kiếm tiền trở lại'.

Bây giờ nói chuyện cả tiếng không mệt

Trò chuyện với chúng tôi, anh Khương tâm sự, anh đã từng phải sống chung với bệnh giãn phế quản từ những ngày còn bé. Bệnh tình càng trở nên nặng hơn vào năm 2019, khi các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai kết luận bệnh tình của anh đang ở giai đoạn cuối, hệ hô hấp suy kiệt, chỉ còn cách duy nhất là ghép phổi.

'Những ngày đấy chỉ cần đi chục bước thôi là khổ, suốt ngày tôi phải dùng máy thở oxy. Đến nói chuyện bình thường cũng khó khăn. Mà khổ nhất là đờm nhiều, cứ một ngày trùng bình có cả lít đờm được lấy ra. Những lúc khó chịu quá, tôi chỉ biết kêu khóc: Mẹ ơi, con khổ quá', anh Khương nhớ lại những ngày mắc bạo bệnh trước kia.

Từ tháng 4/2019 đến tháng 7/2019 là quãng thời gian ám ảnh nhất trong quá trình điều trị tiền đại phẫu ghép phổi của anh. Cứ từng đợt đi khám rồi lại về, rồi lại nhập viện cấp cứu khiến cả gia đình vô cùng mệt mỏi. Có những đợt nằm viện 17 ngày thì anh ngất liên tục đến 10 ngày, các bác sĩ gần như bó tay, anh phải dùng máy thở hầu như cả ngày.

Để rồi đến nay, khi đã xuất viện được hơn 2 tháng, anh Khương vẫn không thể tin được sự sống của mình lại có thể hồi sinh một cách kì diệu đến thế. 'Bây giờ thích ăn gì thì ăn, nói cả tiếng đồng hồ cũng không mệt, các con thì ngoan ngoãn nghe lời, tôi thấy chẳng có gì vui hơn'.

Điều kỳ diệu đối với cả y học

PGS. TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức cho biết: 'Trong ghép tạng, ghép phổi chăm sóc khó khăn nhất vì có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, như kiểm soát nhiễm trùng phổi, chăm sóc đường hô hấp, thuốc chống thải ghép, vật lý trị liệu và nâng cao thể trạng. Sự hồi phục của bệnh nhân Ngô Văn Khương thật sự là một điều kỳ diệu đối với anh, gia đình và cả các y bác sĩ'.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!