Dạy trẻ giá trị ngày Tết truyền thống

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Ngày Tết truyền thống của người dân Việt gắn với những giá trị nhân văn tốt đẹp để nuôi lớn tâm hồn và nhân cách cho trẻ.

Biết ơn cội nguồn, nhớ về quê hương

Tết cổ truyền của người Việt Nam gắn liền với hình ảnh bánh chưng xanh, mâm ngũ quả, câu đối đỏ, cây đào thắm sắc ở miền Bắc hay hoa mai vàng rực rỡ đất phương Nam… Mỗi hình ảnh này lại gắn liền với những giá trị truyền thống tốt đẹp, đặc trưng của người dân Việt.

Thông thường, các gia đình bắt đầu chuẩn bị cho Tết từ ngày 23 tháng Chạp trở đi bằng việc lau dọn bàn thờ gia tiên ('bao sái') thể hiện sự thành kính, tưởng nhớ của con cháu với ông bà, tổ tiên và mời 'các cụ' về đón Tết cùng gia đình.

Tết cũng là dịp để cha mẹ dạy dỗ con về đạo hiếu, biết ơn bề trên thông qua lời dạy: 'Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy'. Trẻ cần biết rằng mình được sinh ra nhờ có nội, có ngoại, được trưởng thành và phát triển nhờ sự giáo dục và giúp đỡ của trường lớp, xã hội.

Dạy trẻ giá trị ngày Tết truyền thống

Ngày Tết là cơ hội để dạy trẻ những ý nghĩa về giá trị của gia đình (Ảnh minh họa: Internet)

Người đi xa trở về

Ngày Tết là cái 'cớ' để mỗi người con đang ở phương xa được quay trở về với cội nguồn, quê hương, đất nước, với mảnh đất chôn rau cắt rốn hay với ngôi nhà mộc mạc, giản dị nơi có cha mẹ đang chờ đợi.

Có thể gia đình bạn đang ở nơi phố thị sầm uất hay bạn đã định cư ở nước ngoài thì hàng năm vào ngày Tết truyền thống hãy đưa con cháu trở về mảnh đất cố hương để trẻ biết rằng, dù ta có đi xa đến mấy quê nhà vẫn đợi ta trở về.

Gia đình sum họp, đoàn kết

Trong ngày thường, mỗi người vì bận rộn chuyện công việc, học hành nên hiếm có thời gian để đại gia đình được sum họp, quây quần bên nhau vui vẻ. Ngày xuân, Tết đến, anh em họ hàng, con cháu trong gia đình đến nhà nhau chúc Tết, ôn chuyện cũ, bàn chuyện mới để tình cảm trên dưới gắn bó, khăng khít.

Đây cũng là cơ hội để bố mẹ giới thiệu cho con cháu về các thành viên trong đại gia đình như cách xưng hô, mối quan hệ để trẻ biết rằng mình có anh chị em họ hàng chứ không hề đơn lẻ, riêng rẽ.

Dạy trẻ giá trị ngày Tết truyền thống

Trẻ cần được dạy về sự biết ơn tới ông bà và tổ tiên (Ảnh minh họa: Internet)

Nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả

Một năm có 365 ngày, 362 ngày là để mọi người cùng nhau cống hiến, lao động để xây dựng cuộc sống. Và chúng ta có 3 ngày Tết để nghỉ ngơi, làm những điều mình thích một cách thoải mái.

Cả một năm vất vả làm ăn, vì vậy ai cũng mong muốn chuẩn bị cho mình một cái Tết tươm tất, đầy đủ. Trẻ nhỏ được bố mẹ sắm sửa quần áo mới, mua nhiều đồ ăn ngon. Các em được tạm nghỉ việc học hành tại trường lớp và cùng gia đình chuẩn bị cho tết đoàn viên. 

Tết đến là thời điểm mọi người được nghỉ ngơi lao động, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, đi chúc Tết xa gần. Tết chính là niềm vui được tận hưởng những thành quả trong năm đã qua.

Tinh thần lạc quan, tươi mới

Tết chính là điểm mốc thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Nó không chỉ thể hiện rằng, một mùa mới với thiên nhiên đang đến, mà còn là mùa mới, trang đời mới với mỗi con người.

Người Việt Nam vốn lạc quan, tin tưởng. Vì vậy Tết về chúng ta chúc nhau mọi điều tốt đẹp, hạnh phúc để có thêm niềm tin và nỗ lực phấn đấu trong thời gian tiếp theo.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần nhấn mạnh các em đã thêm một tuổi, thêm sự trưởng thành, vì vậy cần cư xử lễ phép, chăm ngoan học tốt và luôn rèn luyện sức khỏe để làm được nhiều việc có ích cho đời.

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!