Đề nghị không bổ sung 'ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước' khi xử lý vi phạm

Thời sự - 11/24/2024

Ngày 18/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC).

Vấn đề bổ sung biện pháp 'ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước' vẫn có nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu (ĐB).

Liên quan vấn đề này, Chính phủ cho biết có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC 'ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm' (dự thảo Luật thể hiện theo loại ý kiến này). Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định biện pháp này là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC.

Đề nghị không bổ sung 'ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước' khi xử lý vi phạm

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng).

Bày tỏ ủng hộ quy định đây là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC, ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng, thực tế nhiều cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm mà chỉ sử dụng các biện pháp khác là chưa đủ. Lập biên bản cứ lập, làm cứ làm, khi lực lượng đến thì họ ngừng, khi lực lượng đi họ lại làm, chưa kể có người nghĩ 'phạt cho tồn tại'. Không lực lượng nào có thể làm hiệu quả nếu không bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, nước. Thảo luận về vấn đề này, một số ý kiến ĐB đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế 'ngừng cung cấp điện, nước' trong lần sửa đổi này; việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động cụ thể khi sửa đổi toàn diện Luật Xử lý VPHC. ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, dù áp dụng để cưỡng chế hay ngăn chặn đều chưa thuyết phục và tính khả thi không cao, trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự nhận trách nhiệm trong Luật Dân sự giữa bên cung cấp dịch vụ điện, nước và bên sử dụng. Không nên hành chính hoá quan hệ dân sự này, nhất là khi điện, nước không phải là công cụ, phương tiện được sử dụng để xử lý VPHC.

Cũng quan tâm đến nội dung này, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế 'ngừng cung cấp điện, nước' như dự thảo luật lần này nếu quy định không chặt chẽ sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với mục đích ban đầu là cưỡng chế xử lý VPHC như hư hỏng sản phẩm, máy móc của cả tổ chức, cá nhân có liên quan và không liên quan. Do vậy, ĐB cho rằng, biện pháp cưỡng chế này cần phải xác định lại phạm vi, đối tượng áp dụng và chỉ nên áp dụng trong một số lĩnh vực như xây dựng, vui chơi giải trí, sản xuất hàng giả, hàng cấm...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!