Từ đầu năm đến nay, nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng mạnh trên cả nước. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã có gần 21.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó đã có 8 ca tử vong, tăng 1 ca so với cùng kỳ năm 2016. Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 4 trở lại đây với gần 7.000 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận và 2 ca tử vong do bệnh.
Mặc dù đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến cách phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ nhưng số ca bệnh tay chân miệng vẫn có dấu hiệu tăng mạnh trong tháng 4 vừa qua với hơn 4.500 ca mắc bệnh được ghi nhận. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng trong cả nước cũng đã tăng hơn 26%.
Một số bệnh dịch nguy hiểm khác như virus Zika, bệnh ho gà cũng có dấu hiệu tăng. Cụ thể, cả nước ghi nhận 21 ca mắc bệnh Zika từ đầu năm đến nay, riêng trong tháng 4 ghi nhận 5 ca mắc bệnh. Bệnh ho gà có khoảng 220 bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện từ đầu năm đến nay và đã có 5 ca tử vong, so với cùng kỳ năm ngoái, số người mắc tăng 157 trường hợp, số ca tử vong tăng 3 ca.
Tại riêng Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận gần 500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2016. Theo báo cáo của UBND quận Hà Đông, toàn quận ghi nhận 33 ca sốt xuất huyết và nằm rải rác tại các phường. Trong đó, một số phường có số ca mắc sốt xuất huyết cao là Phú Lương (8 ca - tăng 6 ca so với cùng kỳ năm 2016), Văn Quán (5 ca), Phú Lãm (4 ca), Mộ Lao và Phú La (3 ca). Ngoài ra, quận có ghi nhận có 3 trường hợp mắc ho gà (tại phường Phú La 2 ca và phường Dương Nội 1 ca), không có trường hợp tử vong, tăng 3 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016. Tất cả các trường hợp mắc đều là trẻ dưới 2 tháng tuổi chưa được tiêm vaccine phòng bệnh.
Nguyên nhân chính của việc dịch bệnh có xu hướng gia tăng là do nhiều nơi trên địa bàn quận cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, có nhiều xưởng sản xuất nhỏ nằm xen với khu dân cư, có nhiều bể nước hở và phi chứa nước xung quanh nhà dân. Thêm vào đó, người dân chủ yếu là buôn bán, một số hộ đi làm ăn xa, ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, điều này gây khó khăn cho công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh nói chung, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết.
Được biết, thông thường số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hà Nội thường gia tăng từ cuối tháng 4, sau đó bùng phát lên tới đỉnh dịch vào tháng 6, tháng 7.
Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, hiện chính quyền và người dân còn đang rất chủ quan, thờ ơ trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết. Có những nơi từng bùng phát ổ dịch sốt xuất huyết có đến hàng trăm người mắc bệnh nhưng đến nay, một số người dân vẫn chưa tự giác diệt bọ gậy, phun thuốc phòng bệnh dù đã được chính quyền vận động.
Kết thúc kỳ nghỉ lễ, trước nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các quận, huyện tăng cường tuyên truyền đến từng hộ gia đình, kêu gọi người dân chủ động vệ sinh môi trường sống xung quanh, chủ động diệt muỗi, bọ gậy, cảnh giác với các dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết và Zika khi đang trong giai đoạn thuận lợi để bùng phát… Đặc biệt, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của địa phương cần tăng cường công tác giám sát, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ cao đúng kỹ thuật, đúng thời gian, không để dịch bùng phát và lây lan.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!