Mùa mưa: Yếu tố gây bùng phát bệnh thủy đậu

Sống khỏe mạnh - 05/08/2024

Mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm tăng cao tạo điều kiện cho vi-rút gây bệnh thủy đậu phát triển.

Bùng phát dịch thủy đậu vào mùa mưa

Tuần qua, ở TP HCM, bệnh thủy đậu đã xuất tại 2 trường học là Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (Phường Hiệp Thành, quận 12) với 19 học sinh mắc bệnh và tại trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) có 4 học sinh mắc bệnh. Sau đó, cơ quan chức năng đã phối hợp với y tế địa phương tại 2 trường vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường học và cho các học sinh nhiễm bệnh tạm nghỉ học để cách ly, điều trị, tránh lây lan sang học sinh trong trường.

Hiện nay, hầu hết các tỉnh thành cả nước đều bước vào mùa mưa. Trong thời tiết này, độ ẩm cao tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn phát triển mạnh. Cùng với đó môi trường ẩm thấp, nắng mưa thất thường nên sự lây lan của các loại vi-rút rất nhanh chóng, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh thủy đậu.

Do độ ẩm lớn và điều kiện vệ sinh kém đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng trũng thường xuyên xảy ra ngập úng càng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển đặc biệt trong gia đình có người bị bệnh.

Vào mùa mưa hiện tượng ngập úng thường xuyên xảy ra, nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề mang theo các loại vi khuẩn gây các bệnh truyền nhiễm và ngoài da.

Mùa mưa: Yếu tố gây bùng phát bệnh thủy đậu

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc thủy đậu

Tuy là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh thủy đậu gây ra nhiều biến chứng. Với trẻ em sẽ gây viêm phổi nặng, nhiễm trùng các nốt đậu, viễm não, viêm mô tế bào… Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu làm gia tăng nguy cơ sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh đối với thai nhi.

Điều trị bệnh thủy đậu mùa mưa

Vì mùa mưa là thời điểm dễ bùng phát bệnh thủy đậu nên việc giữa gìn vệ sinh là rất quan trọng vừa để phòng và điều trị bệnh dễ dàng hơn.

Đối với bệnh nhân

Cần chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể hàng ngày. Nhiều người có quan niệm khi bị thủy đậu cần kiêng nước, kiêng gió… nhưng theo ThS. Nguyễn Kiên Cường - Cục Y tế dự phòng quân đội, đó là quan niệm sai lầm, càng làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Vào mùa mưa khi điều kiện thời tiết ấm thấp, người bệnh cần tắm, thay giặt quần áo thường xuyên để ngăn chặn sự phát triển và lây lan của vi-rút gây bệnh. Cũng theo bác sĩ Cường, việc tắm giặt hàng ngày cực kỳ quan trọng, có thể tắm bằng xà bông. Tuy nhiên, nên tắm nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các nốt phỏng. Người bệnh nên mặc các loại quần áo mỏng nhẹ, chất liệu cotton và rộng rãi.

Hàng ngày, nên sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh tai - mũi - họng. Với các vật dụng cá nhân như khăn mặt, cốc, chén nên dùng riêng và để nơi khô ráo, tránh những nơi ẩm ướt. Nên sử dụng dung dịch Methylen bôi lên các nốt mẩn đỏ.

Mùa mưa: Yếu tố gây bùng phát bệnh thủy đậu

Bệnh dịch thủy đậu thường bùng phát vào mùa mưa

Việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ cần chú ý hơn đặc biệt trong mùa mưa lũ vì trẻ chưa có ý thức bảo vệ cơ thể. Không nên cho trẻ tiếp xúc với nước mưa hoặc những nơi ngập úng vì dễ gây viêm da tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Nên cắt móng tay cho trẻ thường xuyên, dùng dung dịch sát khuẩn hoặc  xà bông rửa tay hàng ngày, tránh để trẻ gãi nhiều làm vỡ các nốt phỏng.

Đối với người nhà bệnh nhân

Hãy đảm bảo vệ sinh hàng ngày sạch sẽ và thường xuyên. Bạn nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoăc khi tiếp xúc cần phải đeo khẩu trang, rửa tay sau khi tiếp xúc. Không nên dùng chung đồ đạc với người bệnh.

Trong điều kiện độ ẩm cao khi vào mùa mưa, nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên. Để nhà cửa được thông thoáng, giảm độ ẩm bạn nên mở cửa hoặc bật quạt thông gió để giảm độ ẩm trong nhà, trong phòng sẽ tránh được nguy cơ lây lan bệnh.

Làm thế nào để phòng bệnh thủy đậu mùa mưa?

Mùa mưa khiến bệnh thủy đậu bùng phát mạnh nên chủ động phòng tránh trước khi mùa mưa đến. Trước mùa mưa, bạn nên dự trữ một số loại thuốc cần thiết để điều trị các bệnh ngoài da, các bệnh truyền nhiễm.

Hạn chế tiếp xúc với nước mưa, không nên mặc quần áo ẩm ướt, giữ gìn nhà cửa thoáng mát. Đối với trẻ em - đối tượng dễ lây nhiễm bệnh nhất cần có ý thức phòng bệnh cao hơn. Không nên để trẻ tiếp xúc với các nguồn nước chứa mầm bệnh nhất là khi có hiện tượng ngập úng, giữ gìn vệ sinh cho trẻ vào mùa mưa thật tốt.

Mùa mưa: Yếu tố gây bùng phát bệnh thủy đậu

Bà bầu bị thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi

Bên cạnh đó còn có một số biện pháp phòng bệnh chủ động sau:

Tiêm phòng thủy đậu

Đây là cách phòng bệnh thủy đậu tốt nhất với một liều duy nhất. Vắc-xin phòng thủy đậu đã được chứng minh có hiệu quả đến 97% và kéo dài suốt cuộc đời. Khi tiêm chủng cần lưu ý không nên tiêm khi bị viêm cấp tính, bị sốt cao…

Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng

Để phòng tránh bệnh thủy đậu mùa mưa cần tăng cường và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể để có sức đề kháng tốt. Bạn nên kết hợp ăn nhiều rau xanh, chất xơ cùng việc tập luyện thể dục thường xuyên. Bạn có thể bổ sung các loại vitamin tổng hợp: B3, B9…

- Nên ăn các loại thức ăn dạng lỏng, đầy đủ năng lượng, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả.

- Trường hợp bệnh nhân sốt cao có thể dùng thuốc giảm đau thông thường. Khi có các biểu hiện mệt mỏi, mê man… thì người nhà cần đưa đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.

Ảnh minh họa: Internet

Lưu Nhạn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!