Với một nước đang phát triển phát triển, các hoạt động công nghiệp ở Việt Nam càng làm tăng bụi bẩn trong không khí. Cộng với việc nằm trong vùng nhiệt đới, nơi đây càng trở thành môi trường thuận lợi cho bệnh viêm mũi dị ứng xuất hiện và tăng nhanh số lượng. Vì thế, tìm hiểu về bệnh, phòng và điều trị đúng cách là việc ai cũng phải biết.
Những điều cần biết về bệnh
Khi hít phải những vật lạ, cơ thể sẽ có phản ứng như hắt hơi, ho… Khi những phản ứng này trở nên quá mức, bệnh viêm mũi dị ứng hình thành. Có nhiều dị nguyên gây bệnh. Nguyên nhân chủ yếu do vật lạ lẫn trong không khí như bụi, nấm mốc, lông thú… Ngoài ra, những chất lạ trong thức ăn cũng có thể tác động đến đường hô hấp chứ không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan tiêu hoá.
Theo một số nghiên cứu, yếu tố di truyền đóng vai trò rất quan trọng. Nghiên cứu chỉ ra, cha mẹ bị dị ứng khiến con có khả năng bị dị ứng đến hơn 50%. Trong khi đó, với trường hợp khác chỉ có khoảng 30%. Ngoài di truyền, còn có một số yếu tố khác như cơ địa…
Có nhiều tác nhân gây viêm mũi dị ứng (Ảnh: Internet)
Triệu chứng
Người bị viêm mũi dị ứng có thể sống với bệnh một thời gian dài mà không phát hiện ra bệnh. Bởi biểu hiện của bệnh đôi lúc giống với cảm cúm nên dễ bị điều trị sai. Việc xét nghiệm sẽ đưa ra các bằng chứng rõ rằng nhất về việc cơ thể bạn có bị dị ứng hay không.
Một số triệu chứng thường thấy ở người mắc bệnh viêm mũi dị ứng là hắt hơi nhiều khi tiếp xúc với dị nguyên. Các cơ quan mũi, mắt, tai ngứa ngáy. Mũi bị nghẹt một hoặc hai bên. Hốc mũi nhiều chất dịch, hay chảy nước mũi thời gian dài. Niêm mạc mũi phù nề, màu sắc tái nhợt so với bình thường.
Ngoài triệu chứng chính, bệnh có thể đi kèm với việc ho, hắng giọng. Thở bằng miệng thường xuyên làm khô họng, dễ gây viêm họng. Thường xuyên phải chà xát mũi khiến chóp mũi ửng đỏ. Mí mắt người bệnh thường bị sưng, có quầng thâm.
Các triệu chứng này tuỳ thuộc vào loại bệnh mà xuất hiện khác nhau. Với viêm mũi theo mùa, bệnh chỉ xuất hiện khi sang mùa mới. Tuy nhiên viêm mũi quanh năm lại khiến các triệu chứng xảy ra liên tục.
Điều trị
Theo bác sĩ Từ Tấn Tài, chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, hiện nay không có thuốc nào chữa khỏi bệnh viêm mũi dị ứng trừ khi loại bỏ hoàn toàn dị ứng (giải dị ứng). Tại Việt Nam, bạn có thể đến Trung tâm miễn dịch dị ứng lâm sàng của Bệnh viện Bạch Mai để được khám, điều trị và được các tiến hành các phương pháp cần thiết để giảm dị ứng.
Đi khám bác sĩ kịp thời để điều trị bệnh tránh biến chứng (Ảnh: Internet)
Bác sĩ cho biết, khi dị ứng vẫn còn người bệnh sẽ phải sống chung và dùng thuốc để tránh sự tác động của bệnh. Trước hết, bạn cần tránh việc hít phải dị vật trong không khí như bụi, lông thú, phấn hoa… Giữ ấm cho bản thân khi thời tiết trở lạnh và sử dụng thuốc hợp lý. Bác sĩ Tài chỉ ra một số loại thuốc để điều trị bệnh. Montelukast 10 mg, Loratadin 10mg, thuốc xịt Avamys 27,5mg. Các thuốc này cần được dùng trong một tháng mới ngưng thuốc. Khi có triệu chứng tái bệnh, dùng thêm một tháng nữa.
Phòng ngừa
Để bệnh viêm mũi dị ứng không tái phát hoặc tấn công các thành viên trong gia đình, bạn cần giữ nhà khô sạch, thoáng khí. Khi người nhà có bệnh không nên nuôi chó, mèo. Những nơi thiếu ánh sáng cần được dọn dẹp, tránh xuất hiện nấm mốc.
Tăng cường khả năng đề kháng cho cơ thể bằng lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng thích hợp. Những lúc trời lạnh, bạn cần giữ ấm cơ thể, nhất là khu vực cổ, ngực, mũi, tắm nước ấm. Khi ra đường nên đeo khẩu trang, tránh hít luồng không khí lạnh đột ngột khiến mũi dễ tổn thương, tạo điều kiện dị ứng xuất hiện. Trước khi tỉnh dậy vào sớm lạnh nên làm ấm mũi bằng cách xoa tay quanh vùng mũi. Bạn cần uống đủ nước để mũi không bị khô. Khi có các dấu hiệu dị ứng cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
>> Xem thêm: CHUYÊN ĐỀ: Cách chữa tận gốc viêm xoang và viêm mũi dị ứng
Thanh Nguyên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!