Đi biển rất dễ bị bỏng bởi loài vật này, nếu sơ cứu sai cách càng nguy hiểm hơn

Thời sự - 03/28/2024

Thời gian gần đây nhiều trường hợp nhập viện sau khi đi biển vì bị bỏng do sứa biển cắn. Việc xử lý sai cách càng nguy hiểm hơn cho làn da sau khi bị loài vật này cắn.

Da bỏng nặng vì sứa biển cắn

Mùa hè, nhiều người đi du lịch biển hơn. Tuy nhiên đây cũng là mùa của sứa biển. Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện đã tiếp nhận những trường hợp bị bỏng do sứa cắn khi đi tắm biển. Như trường hợp bé gái 8 tuổi ở Bình Thuận đã phải vào điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Bé gái có biểu hiện viêm da, nổi nhiều bóng nước kèm đau rát vùng cánh tay phải do bỏng sứa.

Trước đó, BVĐK Medlatec cũng đã tiếp nhận bệnh nhân nam 25 tuổi ở Hà Nội vì bị sứa tấn công. Bệnh nhân kể, sau khi thấy ngứa ở cẳng tay phải, thời gian ngắn sau thấy tay dát đỏ, sưng; tình trạng này kéo dài 1 tuần và dần loét nhiều ở vị trí chạm vào sứa kèm theo ngứa nhiều nên đi khám.

Do sơ cứu sai cách có những trường hợp bị tổn thương sâu, phải điều trị dài ngày. Đó là trường hợp nam bệnh nhân phải vào điều trị ở Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Theo chia sẻ của bệnh nhân, sau khi anh xuống tắm biển bị sứa lửa cắn. Ngay sau đó anh bị ngứa rát, toàn bộ vùng mặt, cổ, lưng sưng bệnh nhân phù nề, đau buốt. Vì không biết sơ cứu ban đầu, anh tắm nước ngọt nên vết sứa cắn bỏng rát, sâu hơn.

Đi biển rất dễ bị bỏng bởi loài vật này, nếu sơ cứu sai cách càng nguy hiểm hơn

Sứa biển cắn thường để tổn thương nặng nếu xử lý không đúng. Ảnh TL

Theo BS Lê Thị Hường - Chuyên khoa Da liễu (BVĐK Medlatec) sứa có 2 loại là sứa thường (sứa trắng) và loại sứa lửa. Sứa lửa có độc tính mạnh có các xúc tu với hàng triệu tế bào có chứa chất gây dị ứng, độc. Khi tiếp xúc vào da thịt nếu không kịp thời xử lý thường để lại những tổn thương nặng nề do độc tố gây loét, bỏng da sâu.

Mức độ nghiêm trọng khi bị sứa tấn công sẽ phụ thuộc vào loại sứa, kích thước của con sứa, thời gian tiếp xúc với chất độc của sứa và diện tích vùng da bị dính chất độc. Thông thường trẻ em và người có sức khỏe kém có nhiều khả năng bị các phản ứng nghiêm trọng.

Chuyên gia cho rằng, ở thể nặng, người bị sứa tấn công đau đầu, buồn nôn, mạch nhanh, tụt huyết áp, ngủ lơ mơ… thậm chí có thể dẫn tới khó thở, ngất xỉu, tím tái nguy hiểm tính mạng khi không kịp thời can thiệp. Thời điểm này nhu cầu đi du lịch biển tăng, để tránh những nguy hiểm từ việc sứa đốt, mọi người cần biết cách chủ động phòng tránh và chuẩn bị các loại thuốc bôi ngoài da cho trường hợp bị bỏng do sứa biển gây ra.

Xử lý sai cách càng tổn thương nặng

BS Hường khuyến cáo, nhiều người không biết sơ cứu, thấy có vết đỏ rộp, đau đớn do sứa biển gây ra vội vàng băng vết thương đi thẳng tới viện. Điều này rất sai lầm. Bởi nọc độc của sứa vẫn bám trên da gây những thương tổn nặng nề. Xử lý đúng là khi thấy đau nhói, bỏng rát, mọi người cần lên bờ rửa ngay lập tức bằng nước, nếu có được nước vôi trong càng tốt để giảm nồng độ độc tố và trôi bớt đi. Sau khi rửa liên tục vào vùng tổn thương do sứa cắn, cần chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Với những trường hợp bị tổn thương nặng nên được chuyển tới bệnh viện chuyên khoa để điều trị bằng ôxy cao áp giúp hồi phục nhanh hơn.

Cách xử lý đúng khi bị sứa cắn

Theo khuyến cáo của BS Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), khi bị sứa đốt và đã lên bờ tuyệt đối không được gãi vùng bị đốt hoặc chạm tay vào vì có thể vẫn còn những xúc tu cắm vào da. Điều này sẽ làm cho bạn bị đốt nhiều hơn.

Thứ 2, mọi người không được dùng nước uống hay dùng nước ngọt tắm tráng rửa vết sứa đốt vì có thể làm tăng sự phóng độc, càng rát buốt nhiều hơn. Có thể dùng nước muối biển để rửa vết thương. Có nhiều người sau khi bị sứa đốt vào gần bờ ngâm mình trong nước biển sẽ không bị tổn thương nặng nề như trường hợp chạy thẳng lên bờ tắm trắng.

Thứ 3, tuyệt đối không chườm đá, chườm nóng hay đắp lá cây theo các biện pháp dân gian truyền miệng vì sẽ làm vết thương bị kích ứng hoặc bị nhiễm trùng nặng nề hơn. Việc dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin và bôi kem có chứa corticoid cần có sự tư vấn của bác sĩ.

Thứ 4, đa số phản ứng kích thích da sẽ dịu xuống sau vài ngày, nhưng nếu không đỡ, đau rát hơn cần tới cơ sở y tế.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!