Gia tăng bệnh nhân sởi
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, từ tháng 11 đến nay số bệnh nhân mắc bệnh sởi điều trị tại khoa tăng nhanh. Tháng 10/2018, khoa tiếp nhận 76 trường hợp, tháng 12 là 270 ca. Từ đầu năm, khoa điều trị mỗi ngày khoảng 60-70 ca.
Bác sĩ Hoa cho biết, so với cùng kỳ năm trước, lựợng bệnh nhân tăng hơn 50 lần.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết các ca mắc sởi rải rác vào viện từ tháng trước và đến nay khoa Nhiễm thần kinh của bệnh viện có 26 cháu bị nhiễm sởi biến chứng nặng, và các cháu này đều chưa tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
Bác sĩ Khanh cho biết nếu như bằng giờ năm ngoái khoa chỉ 1,2 cháu thì đến nay số bệnh nhi nhập viện tăng và nếu cứ đề bỏ không tiêm vắc xin như hiện nay thì nguy cơ dịch sởi rất có thể xảy ra.
Bác sĩ Khanh lo lắng thời điểm này nếu không tiêm vắc xin thì không chỉ dịch sởi mà ngay cả dịch ho gà cũng đáng báo động.
Gia tăng bệnh nhân sởi
Theo PGS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, khoa tiếp nhận nhiều các trường hợp mắc sởi đến khám, nhập viện. Một số ca trong tình trạng mắc sởi trên nền cơ địa đặc biệt như có thai, mắc các bệnh tim, phổi, thận... mãn tính.
Với thai phụ mắc sởi, PGS. Cường cảnh báo nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác.
Cách duy nhất phòng sởi là tiêm vắc xin
TS BS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết số ca nhiễm sởi xuất hiện rải rác trong năm và chủ yếu ở trẻ chưa tiêm chủng vắc xin.
Bác sĩ Lâm cho biết thông thường tiêm chủng sởi cho trẻ là 9 tháng tuổi trở đi nhưng hầu hết những trẻ mắc sởi lại ở dưới nhóm tuổi này đã bị mắc sởi.
Trước lứa tuổi tiêm chủng trẻ có kháng thể từ mẹ sang con. Với trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi do trẻ không có kháng thể của sởi. Những trường hợp này có thể là trẻ mắc bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch hoặc mẹ không tiêm chủng.
Có khoảng 30% trẻ em và 5% người lớn sẽ có biến chứng.
Sởi vốn là bệnh lành tính, thường diễn biến tự khỏi. Tuy nhiên có thể có khoảng 30% trẻ em và 5% người lớn sẽ có biến chứng. Sởi có thể có các biến chứng nặng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, tổn thương hệ thần kinh như viêm não.
Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 40 độ C, sốt liên tục. Người bệnh thường bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan hoặc có đờm), tiêu chảy...
Dấu hiệu điển hình của sởi đó là bệnh nhân nổi hồng ban, mịn như nhung, khi ấn vào thì biến mất.
Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân... ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân; ban biến mất theo thứ tự đã mọc. Khi ban nổi đến chân thường người bệnh không còn sốt nữa.
Bác sĩ Khanh cho biết bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện…
Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư…
Chính vì vậy bệnh dễ thành dịch và dễ gây tử vong do biến chứng nặng. Tại Việt Nam dịch sởi đầu năm 2014 đã có số ca mắc 8.500 và có khoảng 114 trẻ tử vong do sởi.
Cách phòng sởi duy nhất, theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, đó là tiêm vắc xin sởi. Bác sĩ Khanh khuyến cáo tất cả mọi người chưa bị sởi lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin sởi đều có khả năng bị nhiễm bệnh.
Có thể tiêm vắc-xin hỗn hợp 3 trong 1 (MMR- sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này.
Những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần tiêm phòng đầy đủ để truyền kháng thể cho con. Nếu em bé được mẹ truyền kháng thể đầy đủ thì đến 9 tháng tuổi tiêm phòng tiếp là có thể phòng tránh được bệnh sởi – bác sĩ Khanh cho biết.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!