Điếc đột ngột chữa trị thế nào?

Cần biết - 11/24/2024

Điếc đột ngột là hiện tượng mất khả năng nghe xảy ra một cách đột ngột và diễn biến nhanh trong vòng vài giờ đến vài ngày.

Bệnh nhân thường phát hiện ra tình trạng điếc đột ngột khi vừa ngủ dậy không thể nghe thấy âm thanh xung quanh, triệu chứng có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên tai. Liệu điếc đột ngột có chữa khỏi và ảnh hưởng như thế nào?

Nguyên nhân gây ra điếc đột ngột

Điếc đột ngột là một triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau mà nguyên nhân rất phức tạp gồm: Do virut như quai bị, cúm, tăng huyết áp đột ngột trên bệnh nhân xơ vữa mạch máu; Bạch cầu hoặc tiểu cầu trong máu tăng quá cao làm nghẽn các vi mạch ở trong tai; Do co thắt mạch máu cục bộ làm thiếu máu; Do khối u thần kinh thính giác; Tai biến do đái tháo đường. Bệnh có biểu hiện như ngủ dậy thấy điếc gần hoàn toàn một bên hoặc hai bên tai. Tiếng kêu trong tai như tiếng ve hoặc cả tiếng loạt xoạt. Đo thính lực thấy điếc tai trong gần hoàn toàn.

Điếc đột ngột chữa trị thế nào?

Bệnh nhân được đo và khám thính lực tại Bệnh viện Tai mũi họng (TP.HCM).

Biểu hiện thường gặp

Biểu hiện điển hình là tai như bị vật gì đó nút chặt, có tiếng ve kêu hay tiếng xay lúa trong tai, nghe kém đột ngột hoặc điếc hoàn toàn. Có khi đi kèm với chóng mặt, buồn nôn, đi lại không được. Theo một nghiên cứu khoảng 82% bệnh nhân phát hiện tình cờ; 18% sau ngủ dậy; 62,6% nhập viện trong 7 ngày đầu; 37,4% đến sau 7 ngày, chứng tỏ nhiều bệnh nhân chưa ý thức được bệnh lý của mình.

Điều trị càng sớm càng tốt

Điếc đột ngột là một loại bệnh lý được xem như một “thảm họa” đối với đời sống và sinh hoạt xã hội của bệnh nhân. Vì vậy, khi bị điếc đột ngột, bệnh nhân nên đến với bệnh viện chuyên khoa càng sớm càng tốt. Nếu đến ngay ngày đầu tiên, khả năng chữa khỏi là 70 - 80%; đến sau một tuần: 20-30%; sau một tháng thì không hồi phục được nữa. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị là thời gian nhập viện trễ; có bệnh lý đi kèm (tăng huyết áp, viêm xoang, viêm dạ dày...); điếc nặng.

Việc phát hiện và điều trị sớm điếc đột ngột là điều vô cùng quan trọng. Một số trường hợp có thể tự khỏi, tuy nhiên do không ai có thể tiên lượng được điều này nên tốt nhất là bệnh nhân phải đến bác sĩ ngay khi có những biểu hiện bất thường.

Thuốc điều trị tùy nguyên nhân có thể sử dụng các thuốc giãn mạch, corticoid, kháng histamin, kháng sinh và kháng virut. Nếu có chóng mặt thì điều trị chóng mặt kèm theo (nghỉ ngơi, ăn nhẹ và an thần). Tuy nhiên, dù có điều trị tích cực bao nhiêu thì tai nghe không bao giờ trở lại bình thường như cũ. Nếu có bệnh tăng huyết áp hoặc đái tháo đường cần được kiểm soát kịp thời.

Điếc đột ngột còn được điều trị bằng các phương pháp kích thích tuần hoàn ở vùng động mạch nuôi dưỡng tai, chẳng hạn như truyền huyết thanh ngọt, các thuốc chứa corticoid và dung dịch chứa pentoxifillin, nootropin... Có thể hỗ trợ liệu pháp oxy cao áp. Phương pháp này giúp cải thiện thính lực của 80% bệnh nhân. Phương pháp châm cứu cũng đang được thử nghiệm để điều trị chứng này và cho kết quả khả quan.

Để phòng điếc đột ngột, cần tránh làm việc quá sức, đi khám định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh ở đốt sống cổ, bệnh mỡ máu. Cảnh giác với các triệu chứng báo trước tình trạng điếc đột ngột để có thể điều trị kịp thời, tránh những di chứng về sau.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!