Bánh lọt là một món ăn chơi khá phổ biến của người miền Tây. Bánh có dạng sợi, thường được ăn chung với các món chè nước. Bánh lọt được làm từ bột gạo và bột sắn dây nên dai dai và có mùi thơm ngọt nhẹ. Người người hay nhầm bánh lọt với bánh canh, tuy nhiên bánh lọt mềm hơn và thanh hơn nhiều. Sở dĩ gọi là bánh lọt bởi khi làm bánh, người ta sẽ ép bột qua các khuôn có lỗ. Do bột khá dẻo và ướt nên sẽ 'lọt' qua các khe.
Nguồn ảnh: Internet.
Bánh lọt là món ăn gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều đứa trẻ các tỉnh miền Tây và mỗi tỉnh, mỗi vùng đều có một cách ăn rất khác. Thế nên chẳng lạ gì khi một thành phố đa văn hóa như Sài Gòn lại tập hợp không biết bao nhiêu là các phiên bản bánh lọt. Hãy cùng chúng mình điểm qua nhé!
Bánh lọt cốt dừa
Đây là phiên bản truyền thống của món bánh lọt, cũng là phổ biến nhất. Sợi bánh lọt ở phiên bản này thường có màu xanh bắt mắt, nhuộm bằng lá dứa nên có mùi thơm ngọt nhè nhẹ. Bánh lọt kiểu này thường được ăn với nước cốt dừa loãng, ít nước đường và đá lạnh. Đây là món ăn rất hợp cho ngày hè nóng bức ở Sài Gòn.
Đậu đỏ bánh lọt
Đậu đỏ là một nguyên tố người ta thường hay dùng để giải nhiệt, nên đậu đỏ bánh lọt được xem như phiên bản 'upgrade' của bánh lọt cốt dừa, được người Sài Gòn dùng để chống lại thời tiết nóng quanh năm. Về cơ bản thì đây giống chè đậu đỏ được thêm bánh lọt hơn, loại cốt dừa ăn kèm cũng sẽ hơi đặc hơn một chút, tuy nhiên cũng có cả nơi không ăn với nước dừa.
Nguồn ảnh: Internet.
Đôi khi, người ta sẽ cho thêm đậu thanh, hoặc những viên bột bán để thêm phong phú.
Bánh lọt sương sáo
Đọc đến đây thì chắc người ta đã hiểu được Sài Gòn nóng đến thế nào, bởi vì hầu hết những phiên bản khác nhau của bánh lọt đều bao gồm các nguyên liệu có khả năng giải nhiệt. Sương sáo cũng là một trong số đó. Sương sáo vốn có thể được xem như thuốc Đông Y, là một loại cao xuất phát từ Trung Quốc, có tác dụng trị cảm mạo, đau khớp, có tính mát. Bánh lọt sương sáo cũng là một món mà người Sài Gòn hay ăn vào mùa hè (thực ra thì cái xứ Sài Gòn này cũng chỉ có hai mùa là nóng và nóng hơn thôi...).
Nguồn: Yến Nhi Trần, Cúm Mực.
Trong món bánh lọt sương sáo, người ta thường thấy những viên màu hồng hồng được gọi là hạt lựu, một loại bột tương tự trân châu vậy, nhai giòn giòn khá vui miệng.
Bánh lọt sầu riêng
Ở Thái có một loại chè tên Chendol, cũng có các sợi tương tự như bánh lọt. Thực ra cũng có người cho rẳng hai món này lấy ý tưởng từ nhau, nên cũng chẳng lạ gì khi người ta kết hợp bánh lọt với sầu riêng - loại quả thường 'góp vui' trong các món chè Thái.
Bánh lọt sầu riêng gần như không có nước, ăn với một ít đá, nước dừa đặt, sầu riêng nghiền và một hai múi sầu riêng tươi.
Bánh lọt xào
Đây chắc là món ăn 'lạc quẻ' duy nhất trong tất cả các món bánh lọt, bởi là món mặn duy nhất giữa các phiên bản ngọt ngào khác. Được biết, bánh lọt xào có nguồn gốc từ Campuchia, mà bản chất bánh lọt đẻ xào cũng không giống bánh lọt cho các món ngọt. Sợi bánh lọt xào sẽ dày và ngắn hơn (để có thể chịu nhiệt khi xào mà không bị nát đấy).
Nguồn ảnh: Lý Thị Kim, Lâm Tiến Anh.
Bánh lọt xào thường được xào với trứng, hẹ và giá đỗ, chan nước chấm chua ngọt. Ngoài ra ở Sài Gòn cũng còn kiểu ăn bánh lọt với bột chiên nữa đấy.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!