Điện thoại thông minh ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống con người, chúng 'thấu hiểu những gì bạn nghĩ, biết thứ bạn cần, và thậm chí có thể giao tiếp với bạn'. Trong khi đại bộ phận người sử dụng hài lòng với những thành tựu công nghệ hiện tại thì các nhà khoa học đang lo ngại về ảnh hưởng của chúng lên hệ thần kinh, đặc biệt là não bộ.
Trong một nghiên cứu xuất bản vào cuối năm 2010, nhà thần kinh học Veronique Bohbot và cộng sự thuộc Đại học McGill (Mỹ) đã chỉ ra rằng, việc quá phụ thuộc vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS) ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của hồi hải mã - một cấu trúc nằm trong thùy thái dương có chức năng kiểm soát trí nhớ và định hướng trong không gian. Nghiên cứu cũng tiết lộ khả năng hoạt động cũng như thể tích của vùng 'hồi hải mã', cũng như khả năng lưu trữ thông tin trong não bộ của những người tìm địa điểm bằng trí thông minh vượt trội hơn những người thường xuyên mở GPS.
Nhóm nghiên cứu khuyên người sử dụng nên tắt bộ phận GPS khi không thực sự cần thiết, hay khi di chuyển trên những tuyến đường gần nhà.
Ảnh minh họa
Những người sử dụng điện thoại thông minh không cần thiết phải nhớ bất cứ điều gì bởi mỗi khi nghi ngờ. Họ có thể 'nhờ vả' các công cụ tìm kiếm 'nhanh, đơn giản, và hiệu quả'. Bằng việc sử dụng các ngón tay linh hoạt, vuốt và tìm kiếm trên màn hình cảm ứng với một vài kí tự, vậy là đã có hàng trăm nghìn kết quả trong vòng chưa đến một tích tắc.
Vấn đề ở đây không dừng lại phương thức sử dụng điện thoại thông minh mà là sự 'nhàn rỗi' trong một thời gian dài của não bộ khiến chúng trở nên chậm chạp vì bị điện thoại 'hớt tay trên' các công việc đáng ra nó phải thực hiện. Hiểu một cách thực tiễn hơn thì điều này giống như người ta thích đi thang máy hơn thang bộ. Điều trớ trêu là đi thang máy tiện dụng và nhanh chóng, nhưng lại khiến cơ bắp trở không được vận động và ngày càng trở nên yếu đuối.
Sự thật này khiến các nhà tâm lý học đưa ra 5 nguyên tắc giúp não bộ của bạn hoạt động hiệu quả và năng suất hơn.
1. Đừng để điện thoại thông minh điều khiển bạn
Đưa ra các nguyên tắc để bản thân ghi nhớ số điện thoại trước khi lưu vào bộ nhớ máy và nhớ gõ các số điện thoại thường xuyên liên lạc trước khi gọi (không nên phụ thuộc vào danh bạ).
Nếu có điều gì đó băn khoăn, hãy để não bạn định hình vấn đề trước khi nhờ vả các công cụ tìm kiếm điện tử.
2. Tắt tính năng định vị toàn cầu (GPS)
Ảnh minh họa
Nhớ giữ cho trí não luôn trong tình trạng chủ động bằng khả năng định hướng trong không gian. Trong trường hợp ở những vị trí bạn chưa từng đến, đừng sử dụng GPS vội, bản đồ có thể là công cụ hữu hiệu hơn nhiều trong việc khai thác thông tin sử dụng kĩ năng phân tích của não bộ.
3. Sử dụng điện thoại thông minh để bắt kịp xu hướng
Phần lớn người sử dụng điện thoại thông minh trong thời gian rảnh rỗi nhằm phục vụ nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng chúng để cập nhật tin tức, sự kiện, hay diễn biến các sự kiện trên toàn thế giới. Những kiến thức này sẽ giúp ích cho khả năng ghi nhớ của não bộ, đồng thời giúp bạn tương tác với nhiều người hơn do có nhiều nguồn tin để tán gẫu.
4. Xây dựng kĩ năng xã hội qua các ứng dụng
Một vài tựa game hướng bạn đến 'chân thiện mĩ' bằng cách giúp bạn đồng cảm với những người xung quanh hơn. Twitter hay Facebook có khả năng tạo ra một xã hội thu nhỏ, mà ở đó kết nối bạn bè chưa bao giờ trở nên dễ dàng hơn thế. Bằng cách tham gia cộng đồng này, bạn đã có thêm nhiều mối quan hệ, đồng nghĩa với việc có thêm nhiều sự ủng hộ. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn không bị rơi vào 'chiếc bẫy truyền thông' khi chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân hay mắc hội chứng 'sợ bị bỏ rơi' (FOMO).
5. Tắt điện thoại khi đang lái xe
Khả năng 'đa nhiệm' của bạn không phải vấn đề bàn cãi trong tình huống này, nhưng tất cả chuyên gia đều đồng ý rằng, sự tập trung khi lái xe là điều rất cần thiết. Hệ thống định vị toàn cầu có thể làm bạn sao nhãng khi vừa lái xe vừa nhìn vào màn hình điện thoại, đôi khi chúng còn đưa những hướng dẫn không chính xác.
Điện thoại thông minh đã và đang có chỗ đứng nhất định trong xã hội hiện đại và khiến cuộc sống của chúng ta trở nên tiện lợi hơn nếu chúng ta chỉ sử dụng chúng như một công cụ hỗ trợ chứ không phải thứ thay thế hoàn toàn cho trí não con người.
Xem thêm: Điện thoại thông minh: Tác nhân hủy hoại sức khỏe
Cha mẹ, con và chiếc điện thoại thông minh
Ngọc Luyện (Theo psychologytoday)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!