Nguy cơ ngộ độc khi sử dụng trà sữa

Điều cần biết - 04/29/2024

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc trẻ em có biểu hiện ngộ độc sau khi sử dụng các loại trà sữa không rõ nguồn gốc.

Ngày 7/8, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP HCM vừa tiếp nhận hai chị em ruột bị ngộ độc thực phẩm, nghi do trà sữa.

Cụ thể, hai bệnh nhi là bé nam M.T.T (tám tuổi) và bé M.T.T.N (12 tuổi, chị gái của bé T.) cùng nhập cấp cứu với những dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm như nôn ói, tiêu chảy, mất nước.

Người nhà bệnh nhi cho biết sau bữa cơm trưa, bé T. đi mua trà sữa ở gần nhà để uống. Sau khi đã uống khá nhiều, bé T. cho chị gái uống cùng. Khoảng một giờ sau, bé T. bắt đầu xuất hiện những triệu chứng buồn nôn, nôn ói nhiều lần, cơ thể lừ đừ mệt mỏi. Khoảng một lúc sau, bé N. cũng có những dấu hiệu tương tự.

Ngay sau đó, cả hai bệnh nhi được chuyển đến BV cấp cứu, súc rửa dạ dày, truyền nước và tiếp tục điều trị tại khoa Nhi B, BV Bệnh nhiệt đới. Nhờ được kịp thời can thiệp, sức khỏe của các bệnh nhi đã ổn định và đã được xuất viện.

Trao đổi với báo Dân Trí,Th.BS Phạm Thị Hải Mến, Trưởng khoa Nhi B, BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cho biết: 'Hiện nay nhiều loại trà sữa được bán rất rộng rãi, không nhãn mác, nguyên liệu và chất phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.

Do đó, phụ huynh trước khi cho con em sử dụng thực phẩm, đồ uống cần tìm hiểu, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ; nên chọn những sản phẩm có thương hiệu để tránh tối đa sử dụng nguyên liệu trôi nổi từ bên ngoài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe'.

Trước đó, vào sáng 21/5, BV Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận và điều trị cho gần 50 học sinh lớp 3B trường tiểu học Trần Phú, TP Quảng Ngãi bị ngộ độc tập thể, nghi do uống trà sữa. Các em đều nhập viện với triệu chứng chung là mệt, nôn ói, đau bụng, sốt… Trong đó 19 em ngộ độc nặng phải nằm viện điều trị.

Theo cô giáo chủ nhiệm, khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, trong buổi liên hoan cuối năm, 50 học sinh được cô phát mỗi em một ly trà sữa. Trà này được hội phụ huynh đặt mua ở cơ sở Uyên Chip Chip, nằm trên đường Ngô Quyền (TP Quảng Ngãi).

Ngày 22/5, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi đã ra quyết định tạm đình chỉ cơ sở bán trà sữa Uyên Chip Chip.

Thành phần và tác hại của trà sữa

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết thành phần cơ bản của trà sữa thường gồm các thành phần chính là trà, sữa, trân châu và đường.

Các nguyên liệu trên nếu có nguồn gốc rõ ràng thì không nói làm gì, nhưng nếu chúng có chứa hóa chất độc hại thì rõ ràng là ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng. Chẳng hạn trà kém chất lượng, hương liệu từ các hóa chất độc hại, các loại kem béo chứa rất nhiều dầu thực vật được hydro hóa, có thể gây tác động tiêu cực tới sức khỏe như làm tắc mạch máu, tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt, tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới.

Ngoài ra, thành phần chính của ly trà sữa là trân châu chủ yếu là tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn có chứa rất nhiều năng lượng. Kèm với nó còn có đường, các loại đồ đi kèm (topping) như phudding trứng, kem phô mai, thạch, siro trái cây...Tuy nhiên, về cơ bản, trân châu thiếu hụt nhiều vitamin và khoáng chất, và gần như không có giá trị dinh dưỡng nào.

Trà sữa có chất Caffeine(một chất kích thích tự nhiên thường có trong cây trà, cà phê và ca cao). Chất này kích thích não và hệ thần kinh trung ương giúp tỉnh táo, ngăn ngừa mệt mỏi. Một số người có cơ địa mẩn cảm với chất này, nếu sử dụng sẽ gây mất ngủ, chóng mặt, nôn ói.

Theo các nhà hoạt động thuộc Liên minh Phòng chống béo phì châu Á Thái bình dương (APIOPA), trà sữa có rất nhiều đường. Trong khi bất cứ thực phẩm nào chứa nhiều đường sữa được tiêu thụ đều đặn hàng ngày cũng đều không tốt cho sức khỏe, báo Pháp luật TP HCM thông tin.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!