Phổi là một hệ thống ống dẫn khí phân chia thành nhiều nhánh bé dần, cuối cùng là một túi màng mỏng để trao đổi khí gọi là phế nang. Cổ túi có cơ vòng Rét- xét-xen, sự co thắt cơ trơn này làm co thắt phế quản tận, chít hẹp đường thở gây nên cơn hen phế quản.
Hen phế quản là một bệnh lý viêm mạn tính của phế quản và những cơn co thắt phế quản tận. Cơn hen phế quản tái diễn từng đợt, sự tắc nghẽn đường thở này có thể tự phục hồi hoặc do điều trị.
Cơ chế và nguyên nhân gây bệnh hen phế quản
Hầu hết bệnh nhân hen đều có hiện tượng tăng phản ứng phế quản (dị ứng), gây co hẹp phế quản khi đáp ứng với các tác nhân kích thích. Các tác nhân kích thích có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp do giải phóng các trung gian hóa học như: histamin, bradykinin, leucotriene C, D, E. Các chất này tác động trực tiếp lên cơ trơn phế quản gây phản ứng viêm, phù nề, co thắt và thành cơn hen.
Các yếu tố kích thích: nhiễm khuẩn, đặc biệt nhiễm vi-rút đường hô hấp trên; hít phải dị nguyên: bụi nhà, bụi lông gia súc, gia cầm, bụi xác côn trùng, nấm mốc, phấn hoa...; bụi ô nhiễm môi trường; thay đổi thời tiết như độ ẩm và sương mù, đặc biệt khi thời tiết lạnh và khô, hít phải khói thuốc lá, thuốc lào, các loại thức ăn: tôm, cua, cá...; tiếp xúc một số muối kim loại, bụi gỗ, hơi xăng dầu.
Biểu hiện bệnh
Cơn hen phế quản thường xuất hiện đột ngột, đôi khi trước cơn hen có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, ho khan... Cơn thường xuất hiện về đêm bệnh nhân đột nhiên khó thở rít, tức ngực, chủ yếu khó thở thì thở ra, thở ra chậm và khó, hít vào nhanh và dễ, bệnh nhân phải ngồi há miệng thở dốc. Khi cơn hen lui, ho dễ và tăng dần, khạc đờm trắng, dính quánh, càng khạc được đờm ra bệnh càng đỡ dần. Ngoài cơn bệnh nhân vẫn làm việc bình thường.
Khám phổi khi đang cơn hen thấy: Nghe thấy ran rít, ran ngáy, gõ vang do ứ khí, X quang phổi sáng hơn bình thường, các khoang liên sườn dãn.
Cơn hen kịch phát, ác tính: Cơn hen xuất hiện đột ngột kéo dài hàng giờ, liên tục, khó thở chậm rít, kéo dài có khi đến một vài ngày, điều trị bằng thuốc hen thông thường không kết quả. Cơn ác tính có nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, suy tim phải, hoặc tử vong.
Hen trẻ em: Cơn khó thở rít, đặc biệt là khi có nhiễm virut đường hô hấp cấp. Nếu trẻ không có cơ địa dị ứng chỉ bị thở rít khi có nhiễm virut đường hô hấp, khi trẻ lớn hơn, đường thở lớn hơn sẽ tự khỏi. Trường hợp trẻ có cơ địa dị ứng bị khó thở nặng hơn khi có nhiễm vi-rút đường hô hấp, nhưng sẽ bị hen suốt thời kỳ trẻ con và thường kèm theo các bệnh eczema, viêm mũi dị ứng, dị ứng với các thức ăn. Cả hai cơ địa trên nếu điều trị tích cực đều có kết quả tốt.
Hen nghề nghiệp: Trường hợp bị hen khi tiếp xúc với bụi ô nhiễm do nghề nghiệp như: cao su, mạt cưa gỗ, bánh mì, bông, vải, sợi, lông thú... Bệnh nhân thường bị cơn hen ở cuối ngày làm việc hoặc buổi tối sau khi làm việc về, đỡ khó thở sau khi được nghỉ ngơi ngày cuối tuần.
Phương thức điều trị
Điều trị hen phế quản là một quá trình lâu dài, cần có sự quyết tâm, tin tưởng của người bệnh và sự theo dõi của thầy thuốc. Việc điều trị cần đạt được 2 mục tiêu: Cắt cơn hen và điều trị ngoài cơn hen nhằm duy trì sự kiểm soát hen phế quản.
Cắt cơn hen, chống co thắt phế quản:
Tùy theo mức độ cơn, thông thường dùng các loại thuốc sau:
- Các loại thuốc xịt: xịt khi lên cơn hen, dạng thuốc này tiện lợi thông dụng, nhưng chỉ có tác dụng đẩy lui được các cơn co thắt nhẹ, không phòng được lên cơn, hiệu lực của thuốc bị giảm dần sau các lần sử dụng. Một số thuốc xịt như Ventolin, Atrovent...
- Thuốc uống : Theophylin 0,1 g , 1 -3 viên/lần, Salbutamol 0,02 g 1 -3 viên/lần khi lên cơn hen
- Thuốc tiêm: Adrenalin 1mg tiêm bắp , hoặc Diaphylin, Sunthophylin, Aminophylin 0,24 gam, tiêm tĩnh mạch chậm pha với Glucoza 5 % hoặc truyền tĩnh mạch ở những trường hợp nặng.
Ngoài cơn hen:
Sử dụng thuốc kháng viêm dạng corticoid:
- Prednisolon 5mg uống khởi đầu 6 viên/ngày ,sau đó cứ 4 ngày giảm dần 1 viên.
- Methyl Prednisolon dạng tiêm truyền (Hydrococtison Hemisucinat 100 mg)
- Cortiocid tại chỗ: Các loại thuốc xịt Becotid,Pulmicort, hoặc pha thuốc corticoid chạy máy khí dung
Các thuốc chống dị ứng:
- Zaditen: 1 mg ´2v/ngày. Loratadin 10 mg tối uống 1 viên, hoặc các thuốc kháng histamin tổng hợp, thuốc ức chế sinh histamin: KetofHEXAN (Ketotiphen fumarat)
- Sodium Cromoglycat (Intal): dạng khí dung xịt 4 lần/ngày. Thường có tác dụng tốt ở trẻ em.
Sử dụng kháng sinh:
Cần thiết sử dụng kháng sinh khi có dấu hiệu nhiễm, nhưng tránh dùng các thuốc dễ gây dị ứng (Penixilin)
Thuốc hạn chế ngăn ngừa cơn hen: Seretide (gồm salmeterol và fluticasone)
Salmeterol giảm co thắt phế quản (kiểm soát triệu chứng) và fluticasone propionate có tác dụng kháng viêm (kiểm soát căn nguyên bệnh) và phòng ngừa các đợt cấp. Tuy nhiên, thuốc thường thấy có tác dụng tốt đối với trẻ em.
Trường hợp cơn hen ác tính:
Ngoài các thuốc trên , cần cho thở oxy, long đờm, giảm ho, truyền dịch, trợ tim mạch. Đặc biệt dùng Corticoid liều cao, các thuốc duy trì sự sống, thở máy.
Đông y điều trị hen phế quản:
- Châm cứu, hoặc cấy chỉ catgut vào các huyệt
- Thuốc uống theo đơn, hoặc thuốc pha chế sẵn: Hen PH, phytoAstma...
Biến chứng
- Cấp tính: Cơn hen ác tính, tâm phế cấp, tràn khí màng phổi.
- Mạn tính: Khí phế thũng, biến dạng lồng ngực, suy hô hấp mạn, tâm phế mạn.
Ảnh minh họa: Internet
BS. Đỗ Hữu Thảnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!