Điều cần biết về viêm xoang

Kỹ năng sống - 04/20/2024

Trường hợp viêm xoang do răng số 5, 6, 7 hàm trên sẽ thấy bị áp-xe quanh răng, đau nhức theo nhịp mạch đập.

Viêm xoang là tình trạng viêm của xoang và mũi. Viêm xoang có thể gây đau đầu hoặc nặng ở mắt, mũi, vùng má hoặc ở một bên đầu. Bệnh nhân viêm xoang cũng có thể ho, sốt, thở hôi, nghẹt mũi kèm với nước mũi đặc.

Viêm xoang có thể gây khó thở, viêm màng não hay thậm chí phình động mạch. Chính vì vậy, mỗi người cần tích cực chủ động phòng tránh để tránh các biến chứng nguy hiểm về sau. BS. Từ Tấn Tài, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, và BS. Nguyễn Thị Thúy, Bộ Y tế sẽ giải đáp một vài thắc mắc hay gặp về căn bệnh này.

Câu hỏi 1:

Xin chào bác sĩ! Em tên Quang, năm nay em 18 tuổi. Em đi khám bệnh, được chẩn đoán là bị viêm xoang hàm. Triệu chứng là nước mũi màu xanh (đôi lúc màu vàng). Uống thuốc khoảng 1 tháng thì nghỉ uống. Sau 2-3 tháng không uống thuốc thì em thấy bị ê 2 bên xoang và thường bị đau đầu. Không biết có phải là triệu chứng của bệnh khác không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em cảm ơn!

Điều cần biết về viêm xoang

Ảnh minh họa

Trả lời

Chào em,

Đau đầu, đau ê ẩm vùng dưới gò má, hỉ ra nước mũi hoặc khịt khạc ra đàm màu đục, vàng, xanh hôi kèm theo chụp phim xoang thấy vùng xoang hàm mờ là do viêm xoang hàm mãn tính. Bệnh có thể kéo dài hàng tháng.

Trường hợp của em uống thuốc hết rồi bị lại coi chừng nguyên nhân viêm xoang hàm do răng hàm trên. Do chân răng hàm trên (nhất là các răng từ răng số 4 trở vào đếm từ răng cửa) gần như nằm lọt thỏm trong xoang hàm nên khi răng bị sâu, vi trùng từ ổ sâu răng đi theo tủy răng xâm nhập vào xoang gây viêm xoang.

Muốn khỏi hoàn toàn viêm xoang hàm do răng thì phải nhổ răng kết hợp chữa viêm xoang. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân viêm xoang khác nữa cần phải có thêm chứng cứ mới kết luận được như nội soi mũi, chụp phim CT Scan… Nếu như viêm xoang hàm do nấm, polyp mũi xoang,… thì cần phải mổ xoang mới khỏi.

Em nên trở lại phòng khám tai mũi họng các bệnh viện lớn để các bác sĩ chuyên khoa khám, xác định nguyên nhân viêm xoang và tìm ra các chữa triệt để. Em cũng nên khám bác sĩ răng hàm mặt kiểm tra răng (nhất là răng hàm trên). Nếu có sâu răng cần phải chữa triệt để kể cả phải nhổ răng.

Chúc em mau khỏi bệnh!

BS. Từ Tấn Tài

Câu hỏi 2:

Chào bác sĩ, tôi hay bị sổ mũi, hắt hơi liên tục, như vậy có phải tôi bị xoang không ạ? Cách chữa như thế nào?

Điều cần biết về viêm xoang

Ảnh minh họa

Trả lời:

Chào bạn,

Bạn chỉ nói hay bị sổ mũi, hắt hơi liên tục, không nói rõ có bị đau đầu, sốt không, nước mũi màu gì trong hay đục, có mùi hôi không. Nếu chỉ có mỗi triệu chứng hay bị sổ mũi, hắt hơi liên tục tôi nghĩ bạn bị viêm mũi dị ứng nhiều hơn là viêm xoang. Theo tôi bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai-Mũi-Họng để được xác định, tìm nguyên nhân và điều trị tốt nhất.

Bạn có thể tham khảo bệnh viêm xoang dưới đây.

Khi bị viêm mũi xoang, thông thường bệnh nhân chỉ thấy mệt mỏi, sốt nhẹ, nhưng cũng có trường hợp sốt cao (nhất là ở trẻ em). Đau vùng mặt là dấu hiệu chính, thường đau về sáng do đêm bị ứ đọng xuất tiết, đau thành từng cơn gây nhức đầu. Đau nhức nhất là vùng quanh mắt, đau thành cơn, theo nhịp mạch đập. Ấn thấy đau ở phía dưới ổ mắt, cơn đau có chu kỳ đúng khoảng thời gian nhất định trong ngày, thường vào lúc từ 8-11 giờ.

Bên cạnh đó, bệnh nhân thường thấy ngạt, tắc mũi. Tùy theo tình trạng viêm mà tắc một hay cả hai bên, mức độ nhẹ hoặc vừa, từng lúc hay tắc liên tục gây mất ngửi, ngạt nhiều bên đau, ngạt tăng về ban đêm. Chảy mũi đặc có thể mủ lẫn máu.

Trường hợp viêm xoang do răng số 5, 6, 7 hàm trên sẽ thấy bị áp-xe quanh răng, đau nhức theo nhịp mạch đập. Lợi quanh đó bị viêm, mủ chảy từ xoang ra rất thối, chảy mủ mũi vàng đục làm hoen bẩn khăn tay, có mùi hôi. Xì mạnh đôi khi thường gây đau và lẫn tia máu. Viêm xoang cấp có thể tự khỏi nhưng cũng dễ chuyển thành viêm xoang mạn.

Về điều trị, bệnh nhân phải dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm và phù nề tại chỗ. Ví dụ: đặt bấc có tẩm dung dịch tampon naphazolin, ephedrin vào khe giữa, xông menthol, khí dung. Chỉ chọc rửa xoang hàm khi đã giảm viêm nhiễm (hết sốt, bạch cầu trong máu trở lại bình thường).

Chúc sức khỏe!

BS. Nguyễn Thị Thúy

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!