Rối loạn này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ con nhưng thường gặp nhất ở người cao tuổi. Phụ nữ thường mắc nhiều hơn nam giới.
Theo ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, có nhiều nguyên nhân gây ra chứng bệnh này như: táo bón; dùng các loại thức uống có tính kích thích như rượu, trà, cà phê; trạng thái căng thẳng tâm lý quá mức.
Một số thuốc lợi tiểu, thuốc huyết áp, thuốc an thần, dãn cơ, thuốc chống trầm cảm... cũng có thể gây tiểu không tự chủ tạm thời.
Để hiểu chi tiết hơn về bênh này, Th.S Vũ Thị Tuyết Mai và PGS.TS Nguyễn Ngọc Sáng sẽ giúp bạn đọc xác định nguyên nhân cũng như phương pháp chữa trị phù hợp.
Câu hỏi 1: Xin bác sĩ cho biết, hay són tiểu ra quần là bệnh gì? Cách chữa trị ra sao.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Sáng, Trường Đại học Y-Dược Hải Phòng, trả lời:
Chào bạn,
Són tiểu ra quần có nhiều nguyên nhân như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, u xơ tiền liệt tuyến ở đàn ông.
Bạn cần đi khám tại cơ sở y tế, làm xét nghiệm nước tiểu và siêu âm ổ bụng để tìm nguyên nhân, điều trị kịp thời.
Chúc bạn mau khỏi!
Câu hỏi 2: Thưa Bác sĩ! Em năm nay 18 tuổi giới tính nam. Từ năm ngoái đến bây giờ em thường xuyên bị rỉ nước tiểu, nhất là lúc mới đi tiểu xong. Nhiều khi đang ngồi học, đạp xe đạp hoặc cử động mạnh là nó rỉ ra. Em có đi khám bác sĩ nhiều rồi: người thì nói là bị chạm dây thần kinh, người thì nói là viêm đường tiết niệu, người thì nói bị mộng tinh. Nhưng em uống thuốc và chạy thể dục theo lời bác sĩ khuyên rồi mà không hết. Vậy em bị bệnh gì? Cách chữa thể nào, mong Bác sĩ giúp cho em với. Xin cảm ơn!
Ảnh minh họa
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, trả lời:
Chào em,
Theo mô tả trong thư thì em bị mắc chứng són tiểu (tiểu tiện không tự chủ), là tình trạng nước tiểu thoát ra ngoài mà người bệnh không thể kiểm soát được.
Về lâu dài, nguyên nhân có thể là do bệnh đường tiết niệu: nhiễm trùng, sỏi, u đường tiết niệu; do bệnh tật và các rối loạn liên quan đến dây thần kinh hoặc các cơ kiểm soát bàng quang.
Ngoài ra, tiểu tiện không tự chủ cũng có thể là triệu chứng ban đầu của một số bệnh khác như đa xơ cứng, khối u não, chấn thương cột sống...
Điều trị: tùy nguyên nhân. Nhiều trường hợp không cần dùng thuốc mà chỉ cần điều chỉnh lối sống: tránh các loại thực phẩm và đồ uống có tính kích thích, không hút thuốc, duy trì cân nặng phù hợp, tránh táo bón...
Kết hợp với các bài tập cơ vùng đáy chậu, tập kiểm soát bàng quang bằng cách cố gắng giảm dần số lần đi tiểu để tăng lượng nước tiểu, qua đó luyện được khả năng ức chế những co thắt bất thường của cơ bức niệu...
Trường hợp của em không rõ đã được điều trị lâu chưa? Nếu em đã tuân thủ điều trị mà tình trạng són tiểu vẫn không được cải thiện thì nên tái khám tại chuyên khoa tiết niệu của các bệnh viện để được xem xét và điều chỉnh biện pháp điều trị.
Ngoài việc thay đổi lối sống, tập luyện, dùng thuốc, các bác sĩ có thể cân nhắc phương pháp chuyên sâu như dùng chất điều biến thần kinh, phẫu thuật…tùy nguyên nhân gây ra chứng bệnh này.
Chúc em sức khỏe!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!