Điều trị chứng tăng tiết mồ hôi

Bài thuốc dân gian - 11/24/2024

Nên tạo thói quen vệ sinh cá nhân thường xuyên, vệ sinh thân thể nên dùng xà phòng trung tính, diệt khuẩn.

Chứng ra mồ hôi tay, chân hay còn gọi là hiện tượng tăng tiết mồ hôi, chiếm khoảng 3% dân số và vị trí bị nhiều nhất là ở tay, chân, nách, trán.

Đây không phải là tình trạng bệnh lý mà là một triệu chứng, không gây ảnh hưởng, đe dọa đến tính mạng nhưng nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống (sinh hoạt, lao động, học tập và giao tiếp hàng ngày).

Chứng tăng tiết mồ hôi biểu hiện từ nhẹ đến nặng tùy từng người như từ ẩm da bàn tay đến mồ hôi chảy nhỏ giọt.

Chứng tăng tiết mồ hôi có thể nguyên phát do rối loạn thần kinh giao cảm (biểu hiện từ khi còn nhỏ đến lớn). Chứng này có thể có tính chất gia đình nhưng tính chất di truyền vẫn chưa rõ ràng.

Ngoài ra, yếu tố môi trường, thời tiết khí hậu nhiệt đới ở nước ta cũng là điều kiện thuận lợi làm cho tăng tiết mồ hôi nặng hơn.

Điều trị chứng tăng tiết mồ hôi

Ảnh minh họa

Chứng tăng tiết mồ hôi có thể thứ phát sau một số bệnh khác như Basedow, u tủy thượng thận, sau điều trị ung thư…

Để điều trị chứng tăng tiết mồ hôi có nhiều phương pháp: 

Trước tiên, nếu chứng tăng tiết mồ hôi là bệnh thứ phát, phải điều trị triệt để bệnh đang mắc thì chứng tăng tiết mồ hôi sẽ giảm.

Điều trị nội khoa: sử dụng thuốc hút khô bàn tay, bôi bột hút ẩm nhưng chỉ có tác dụng tạm thời (aluminum chloride 20%).

Trong những thập kỷ trước (khi chưa có chưa có nội soi) người ta sử dụng phương pháp tiêm cồn hay nước nóng vào hạch giao cảm. Đây là kỹ thuật tiêm mù nên gặp nhiều biến chứng và hiệu quả không cao.

Phương pháp phẫu thuật: mổ mở ở cổ, ngực, tìm hạch giao cảm để diệt hạch (phẫu thuật này phải gây mê và hậu phẫu rất nặng nề)

Phương pháp phẫu thuật nội soi gây mê nội khí quản: người ta đưa ống nội soi vào lồng ngực cắt (đốt) hạch giao cảm hoặc hủy tuyến mồ hôi. Đây là phương pháp an toàn, chính xác và có hiệu quả bệnh nhân có thể ra viện ngay hôm sau khi phẫu thuật. Phương pháp này chỉ định cho những bệnh nhân tăng tiết mồ hôi nguyên phát (chống chỉ định: bệnh nhân đã mổ mở ngực từ trước, bệnh của phổi cũ và mới).

Ngoài ra, nên tạo thói quen vệ sinh cá nhân thường xuyên, vệ sinh thân thể nên dùng xà phòng trung tính, diệt khuẩn. Tư tưởng phải luôn thoải mái, tăng cường giao tiếp, tránh mặc cảm tự ti. Dinh dưỡng đầy đủ, nên ăn uống đủ chất với nhiều vitamin và chất xơ, hạn chế thức ăn cay và nên uống nhiều nước…

Muốn điều trị dứt điểm chứng ra mồ hôi, bệnh nhân nên đi khám và điều trị tại các bệnh viện có thể mổ nội soi cắt hạch giao cảm có kinh nghiệm (ví dụ Bệnh viện Nội tiết Trung ương…).

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!