Hấp thu sắt dư thừa sẽ gây biến chứng gì?
Bác sĩ Hà Văn Chấn cho biết: "Mức độ ferritin tăng khi chất sắt được hấp thụ nhiều hơn so với nhu cầu cơ thể. Hấp thu sắt dư thừa mạn tính sẽ dẫn đến sự tích tụ của các hợp chất sắt trong các mô và cơ quan và cuối cùng có thể gây ra rối loạn chức năng và tổn thương các mô, cơ quan.
Bình thường đối với nam chỉ số ferritin từ: 30 – 400 ng/mL, với kết quả của bạn là 775 ng/mL có tăng nhưng chưa đến mức độ quá nghiêm trọng .
Nguyên nhân trong trường hợp tăng Ferritin này của bạn có thể do: Bạn bổ sung nhiều chất sắt sẽ làm tăng mức độ sắt trong cơ thể của bạn thông qua các thức ăn nhiều sắt hoặc uống thuốc sắt. Nếu mức độ sắt trong cơ thể của bạn tăng và nhiều hơn so với yêu cầu của cơ thể bạn sẽ bắt đầu dự trữ thêm chất sắt dưới các dạng như là ferritin. Ngoài ra, mức Ferritin tăng nhẹ có thể được nhìn thấy trong lạm dụng rượu, viêm gan cấp tính và bệnh lý nhiễm trùng mạn tính".
Điều trị đưa ferritin về chỉ số bình thường
Theo Bác sĩ Hà Văn Chấn, chủ yếu là loại bỏ lượng sắt dư thừa. Quá trình này được gọi là lấy máu tĩnh mạch (phlebotomy). Căn cứ vào mức độ quá tải sắt nhiều hay ít mà người ta sẽ thực hiện thủ thuật này một lần hoặc hai lần một tuần, trong thời gian từ vài tháng đến một năm hoặc lâu hơn. Nồng độ ferritin sẽ được kiểm tra định kỳ để theo dõi mức độ sắt trong cơ thể nhằm mục đích điều chỉnh lại mức độ Ferritin trong máu đến mức thấp nhất của trị số bình thường và giữ ổn định ở mức này.
Điều trị cho đến khi lượng sắt trở lại bình thường thì điều trị duy trì, cần xét nghiệm Ferritin trong máu hàng năm để xác định mức độ thường xuyên cần loại bỏ số lượng máu. Việc điều trị sớm trước khi các cơ quan tồn trữ sắt bị tổn thương như bệnh gan, bệnh tim, viêm khớp và bệnh tiểu đường thì có thể ngăn chặn được các tổn thương ở các cơ quan này. Điều trị bệnh quá tải sắt tích cực có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh gan giai đoạn đầu, mang đến tuổi thọ bình thường cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu xơ gan hoặc sẹo gan đã phát triển, ngay cả khi dự trữ sắt được giảm đến mức bình thường thì bệnh nhân vẫn bị nguy cơ phát triển ung thư gan tăng lên. Điều trị có thể không chữa trị các bệnh liên quan đến quá tải sắt nhưng nó sẽ giúp hầu hết bệnh nhân được cải thiện sức khỏe. Chỉ riêng bệnh viêm khớp là không được cải thiện dù lượng sắt dư thừa được loại bỏ hết.
Người bị bệnh quá tải sắt không nên dùng sắt hoặc vitamin C bổ sung trong khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày. Những bệnh nhân có tổn thương gan không nên dùng đồ uống có cồn vì chúng có thể gây hại cho gan.
Nếu bạn không được điều trị sớm để lâu có thể có biến chứng, sắt tích tụ trong các mô dẫn đến các bệnh nặng như: viêm khớp; gan to, xơ gan, ung thư và suy gan; tổn thương tuyến tụy, có thể gây ra bệnh tiểu đường; loạn nhịp tim, suy tim sung huyết; bất lực ở nam giới; da có màu xám hoặc đồng; suy nhược tuyến giáp; tổn thương tuyến thượng thận...
Chúc sức khỏe!
25/04/2018 - Theo: Cộng đồng Lily & WeCare
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!