Đây là nghiên cứu hợp tác giữa Viện Gút với các chuyên gia của ĐH Paris 7 (Pháp), ĐH Y Dược TP.HCM về mối tương quan giữa điều trị hạ nồng độ acid uric máu với kết quả tan tinh thể muối urat, tiêu tophi, phục hồi xương khớp bị phá hủy do tophi trên 100 bệnh nhân Việt Nam điều trị tại Phòng khám Đa khoa Viện Gút với thời gian theo dõi từ 24 tháng đến 4 năm.
Theo GS. Thomas Bardin, một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm về bệnh gút đến từ ĐH Paris 7 (Pháp), bệnh gút là bệnh lắng đọng tinh thể muối urat natri ở các mô, nguyên nhân gây lắng đọng tinh thể muối urat là do tăng acid uric máu mạn tính. Nếu nồng độ acid uric máu không giảm mà tăng cao kéo dài chỉ khoảng từ 3 - 5 năm sau người bệnh có thể bị nổi các u cục tophi tại khớp gây phá hủy khớp, biến dạng khớp.
GS. Thomas Bardin khám và điều trị cho người bị gút
Từ năm 2006 đến nay Hội thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) và Liên Đoàn chống các bệnh thấp khớp châu Âu (EULAR) hàng năm đều đưa ra những khuyến nghị có điều chỉnh về mục tiêu điều trị hạ nồng độ acid uric máu ở bệnh nhân gút. Tại châu Âu và Mỹ cũng đã có một số nghiên cứu về mối tương quan giữa điều trị hạ nồng độ acid uric máu với tan tinh thể muối urat, tiêu tophi, phục hồi xương khớp bị phá hủy do tophi nhưng kết quả chưa rõ ràng.
Kết quả nghiên cứu về điều trị bệnh gút tại Phòng khám Đa khoa Viện Gút khi được trình bày tại EULAR đã gây được ấn tượng mạnh với các nhà khoa học đến từ nhiều nước, vì đây là bằng chứng rõ ràng nhất thế giới từ trước đến nay về mối tương quan giữa điều trị hạ nồng độ acid uric với hình ảnh tan tinh thể muối urat lắng đọng, tiêu tophi qua siêu âm và hình ảnh phục hồi xương khớp bị phá hủy do tophi qua X-Quang.
GS. Bardin cho biết, tất cả những người tham gia nghiên cứu tại Phòng khám Đa khoa Viện Gút chỉ mất khoảng 1 năm là không còn phải dùng thuốc chống viêm giảm đau, so với các nghiên cứu thuốc mới điều trị gút trên thế giới bệnh nhân phải mất từ 4 - 5 năm mới bỏ được thuốc chống viêm giảm đau. Các u cục tophi cũng tiêu đi rất nhanh do Viện Gút kiểm soát chặt chẽ việc dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng của người bệnh kèm theo đó là hiệu quả của những biện pháp hỗ trợ điều trị.
Lý do mà GS Thomas Bardin cùng các nhà khoa học Pháp chọn Phòng khám đa khoa Viện Gút để thực hiện nghiên cứu này vì đây là trung tâm y tế tổ chức mô hình điều trị chuyên sâu dành cho bệnh nhân gút. Tất cả những người đến đây đều được khám tỉ mỉ, kỹ càng, khám chuyên sâu bệnh gút và tất cả các bệnh lý liên quan kèm theo như suy thận, suy tim, tăng huyết áp, tiểu đường…
Phim chụp của người bị tiêu xương nặng do gout (ảnh Viện Gút)
Đặc biệt người bệnh được quản lý rất chặt chẽ diễn biến điều trị ngoại trú xuyên suốt, lâu dài với những mục tiêu điều trị rõ ràng cụ thể. Đây là những điều kiện tiên quyết tạo nên sự thành công trong nghiên cứu lâm sàng cũng như trong điều trị.
Điều trị vòng xoắn bệnh lý gút: Kết hợp thêm ngoại khoa
Tháng 7/2014, lần đầu tiên GS Thomas Bardin đến thăm Phòng khám đa khoa Viện Gút, ông đã thật sự bị 'sốc' trước tình trạng biến chứng, biến dạng khớp nghiêm trọng của nhiều bệnh nhân gút ở nước ta mà hầu như ít gặp ở các nước phát triển.
Khi xem hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân này GS Thomas Bardin sốc hơn nữa vì rất nhiều người bị gút còn bị kèm theo nhiều căn bệnh mạn tính khác, bệnh nào cũng nặng như: suy tim độ 3 kèm theo suy thận mạn giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4, tăng huyết độ 2 hoặc độ 3, tiểu đường tuýp 2, xơ vữa động mạch, hẹp động mạch có huyết khối, suy van tĩnh mạch sâu chi dưới, suy tuyến thượng thận, suy tuyến yên, hội chứng cushing phù nề giữ nước do lệ thuộc corticoid…
Đối với những người chỉ bị suy tim hoặc suy thận nặng đã khó điều trị, đối với những người mắc bệnh gút đã biến chứng nặng có vòng xoắn bệnh lý phức tạp như trên, điều trị càng khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí là bế tắc.
ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Nhữ, Trưởng ban chuyên môn kỹ thuật kiêm Bác sĩ phụ trách CK ngoại Phòng khám Đa khoa Viện Gút cho biết, trước đây khi gặp những người mắc bệnh gút bị suy tim, suy thận, tăng huyết áp, tiểu đường nặng nặng… đều chuyển đi khám chuyên khoa. Nhưng như vậy, những bệnh nhân gút bị mắc nhiều bệnh thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, chuyển đến khám chuyên khoa này lại sót chuyên khoa khác.
Hiện nay, việc phối hợp điều trị và kiểm soát trị ngoại trú cho những người mắc nhiều căn bệnh mạn tính thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau vẫn đang còn là vấn đề nan giải. Chuyển người bệnh đi, khi trở lại việc phối hợp để tránh tương tác thuốc còn khó hơn rất nhiều.
Mỗi tháng Phòng khám đa khoa Viện Gút tiếp nhận thêm từ 200 - 300 người mắc bệnh gút mới, trong đó 70 % có vòng xoắn của nhiều căn bệnh mạn tính khác nhau, hơn 30% đã biến chứng nặng.
Vì vậy từ năm 2014, Ban lãnh đạo Phòng khám đã quyết định tập trung nghiên cứu phát triển mô hình điều trị vòng xoắn bệnh lý phức tạp của gút với nhiều căn bệnh mạn tính khác nhau như: tim mạch, suy thận, tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, suy van tĩnh mạch sâu chi dưới, suy tuyến thượng thận, hội chứng cushing, phù nề giữ nước do lệ thuộc corticoid…
BSCKI Trần Văn Chức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp - Việt về bệnh gút và các bệnh mạn tính cho biết, các chuyên gia tại Viện Gút đều hướng tới điều trị tổng hợp cho một cá thể bệnh để tháo gỡ các vòng xoắn bệnh lý. Thực tế, các bác sĩ tại đây đã cấp cứu thành công rất nhiều ca bệnh gút nặng với nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Từ năm 2014 đến nay, Viện Gút đã phối hợp với các chuyên gia cơ xương khớp, tim mạch, thận tiết niệu của trường đại học Paris 7 (Pháp) nghiên cứu để hoàn mô hình điều trị vòng xoắn bệnh lý phức tạp của nhiều căn bệnh mạn tính ở bệnh nhân gút; Một nghiên cứu khác là về những tổn thương của nhu mô thận trên người mắc bệnh gút do các lắng đọng urat monosodium trong nhu mô thận cũng đang được tiến hành.
Tới 70 % bệnh nhân gout có vòng xoắn của nhiều căn bệnh mạn tính khác nhau, hơn 30% đã biến chứng nặng (ảnh Viện Gút)
Trong tương lai, ThS. BS. Ngọc Nhữ cho biết những người mắc bệnh gút đã có tophi gây phá hủy khớp, ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp, có chỉ định tiểu phẫu đều được thực hiện tại Phòng khám Đa khoa Viện Gút để loại bỏ cục tophi, để sớm trả lại chức năng vận động cho người bệnh.
“Điều trị ngoại khoa đóng vai trò như thế nào trong bệnh gút? Trong nhiều trường hợp, cục tophi chèn ép dây thần kinh ở cổ tay dẫn đến hội chứng ống cổ tay, chèn ép gây tổn thương, tiêu xương khớp… Như vậy, mổ tophi sẽ đơn giản chỉ là giải quyết hội chứng ống cổ tay, hay cộng hưởng với kết hợp nội khoa trong phục hồi xương khớp nhanh hơn so với điều trị nội khoa đơn thuần,” BS. Nhữ cho biết.
BS. Chức cho biết thêm, mô hình điều trị bệnh gút tại đây còn giúp người bệnh hiểu biết thêm về tình trạng bệnh tật, từ đó ý thức và duy trì điều trị: hướng dẫn người bệnh tự theo dõi đặc biệt là quản lý chặt chẽ nồng độ axit uric, phân phối cơ cấu thuốc phù hợp, điều trị và kiểm soát các bệnh mạn tính kèm theo.
Chính nhờ việc tổ chức khám bệnh tỉ mỉ kỹ càng bệnh gút và các bệnh mạn tính kèm theo, kết hợp với việc tổ chức kiểm soát điều trị ngoại trú xuyên suốt lâu dài với những mục tiêu cụ thể bằng tây y kết hợp với một số biện pháp hỗ trợ điều trị mà vòng xoắn bệnh lý phức tạp của gút với nhiều căn bệnh mạn tính khác cũng dần dần được tháo gỡ.
Tình trạng suy thận, suy tim, suy van tĩnh mạch sâu chi dưới của người bệnh cũng được cải thiện. Huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng men gan của bệnh nhân được kiểm soát. Đặc biệt là những bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận do lệ thuộc corticoid cũng có cơ hội cai thành công corticoid nhờ mô hình này.
Trong buổi lễ kỷ niệm 12 năm thành lập Viện Gút, 27/7/2007, GS. Thomas Bardin cho biết, ông vừa làm việc với Hội đồng Y đức thuộc ĐH Y Dược TP.HCM để chuẩn bị triển khai nghiên cứu mới về gien di truyền và gút, kết hợp với Trung tâm Y học Phân tử (ĐH Y Dược TP.HCM). Các nhà khoa học hy vọng từ kết quả nghiên cứu trên gien di truyền sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân gút người Việt.
Nghiên cứu này dựa vào một nghiên cứu về sử dụng thuốc cũng đã được thực hiện tại Viện Gút sẽ được báo cáo tại Hội nghị Thấp khớp học châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11/2019. Các nhà khoa học đều biết việc sử dụng thuốc trên người mắc bệnh gút và đáp ứng điều trị như thế nào một phần phụ thuộc vào gien di truyền của người bệnh. Một kết quả khác từ nghiên cứu di truyền sẽ giúp các nhà khoa học có thêm bằng chứng củng cố thêm nếu tăng liều dần đến mức nào trong khi bệnh nhân không bị dị ứng thuốc.
Gút là một bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa, biểu hiện thường thấy ở trên khớp. Tỷ lệ mắc các biến chứng trên bệnh nhân khớp nếu không được điều trị triệt để, theo dõi kiểm soát thường xuyên, từ lúc bắt đầu phát bệnh đến 10 năm sau, 50% sẽ bị tổn thương xương khớp. Tổn thương xương khớp là biến chứng của bệnh gút nặng.
Theo GS. Thomas Bardin, người bệnh gút tại nước ta thường đến các cơ sở y tế khi ở giai đoạn muộn nên bệnh diễn tiến nặng nề. Nguyên nhân nữa, nhiều bệnh nhân gút không biết mình mắc bệnh và thậm chí khá “mơ màng” với các loại thuốc mình đang sử dụng.
Bên cạnh đó, GS. Thomas Bardin khẳng định axit uric liên quan nhiều đến uống rượu bia và cân nặng. Gút còn liên quan chặt chẽ với cao huyết áp, đái tháo đường và các bệnh lý tim mạch.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!