Điều trị lác mắt ở trẻ em

Bài thuốc dân gian - 11/24/2024

Quan niệm cho rằng trẻ bị lác khi lớn lên sẽ tự khỏi, hoặc chỉ gây ra các vấn đề về thẩm mỹ cho người bệnh là không đúng.

Lác mắt là một bệnh khá phổ biến ở trẻ em, trong đó có sự lệch trục nhãn cầu, thường kèm theo rối loạn thị giác của một hoặc hai mắt. Do đó khi người bị lác mắt nhìn vật nào đó, hai mắt không thẳng hàng mà có một mắt lệch đi so với mắt kia. 

Theo Th.S Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế, lác thường gặp ở lứa tuổi bắt đầu đi học, khi thị giác đang trong thời kỳ phát triển, trẻ em bắt đầu biết sử dụng mắt và sự phối hợp hoạt động của các cơ mắt chưa được cân bằng.

Thường chỉ có một mắt bị lác, được phân biệt thành lác trong (mắt nhìn vào trong), lác ngoài (mắt nhìn ra ngoài), lác dọc (mắt nhìn lên trên hoặc xuống dưới), lác luân phiên (lúc mắt này lác, lúc mắt kia lác).

Đồng thời, Th.S Mai cũng khuyến cáo, có tới 4% trẻ sinh ra đã bị lác. Vì vậy, việc phòng và điều trị bệnh lác hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Câu hỏi 1: Con trai tôi năm nay 3 tuổi, sống tại Quảng Ninh. Cháu bị lác luân phiên. Xin hỏi Bác sĩ có cách nào chữa cho cháu khỏi hẳn được không? Chi phí tầm bao nhiêu ạ? Có mất nhiều thời gian không? Và chữa ở tầm tuổi nào thì tốt? Cám ơn bác sĩ nhiều!

Điều trị lác mắt ở trẻ em

Ảnh minh họa

Trả lời:

Quan niệm cho rằng trẻ bị lác khi lớn lên sẽ tự khỏi, hoặc bệnh lác mắt chỉ gây ra các vấn đề về thẩm mỹ cho người bệnh là không đúng. Mắt bị lác nhìn kém, cho hình ảnh không rõ nên không chịu nhìn nữa (mắt 'lười') và sẽ dẫn tới nhược thị.

Bên cạnh sự lệch trục nhãn cầu và nhược thị thì rối loạn thị giác 2 mắt là yếu tố quan trọng mà gia đình bạn thường không để ý nên không cho đó là mục tiêu chính của việc điều trị. Song, đối với các bác sĩ nhãn khoa thì đây chính là yếu tố quan trọng giúp cho họ tiên lượng, quyết định việc điều trị.

Vì vậy, bạn cần đưa cháu đi khám và điều trị càng sớm càng tốt để phục hồi thị giác 2 mắt. Một số phương pháp sau thường được áp dụng:

- Che kín mắt tốt lại trong một thời gian để bắt mắt 'lười' hoạt động. Cách chữa này chỉ hữu hiệu khi trẻ dưới 7 tuổi, sau tuổi này rất khó áp dụng.

- Cho trẻ bị cận thị hay viễn thị đeo kính, lý tưởng là khi trẻ dưới 5 tuổi, cho kết quả điều trị tốt. Đa số trẻ em khi được phối hợp bịt mắt và đeo kính có thể khỏi lác trong vòng 6 tháng đến 2 năm.

- Phẫu thuật: áp dụng khi các phương pháp nội khoa không hiệu quả hoặc trẻ bị lác do bất thường của cơ, thần kinh.

Sau điều trị vẫn phải giúp trẻ thường xuyên luyện tập mắt để lập lại hoạt động cân bằng của các cơ mắt.

Bạn có thể đưa cháu đến Bệnh viện Mắt Trung ương để khám và có hướng xử trí kịp thời.

Câu hỏi 2: Con trai cháu năm nay 4 tuổi cháu bị lác mắt từ nhỏ. Con cháu bị lác một mắt bên trái cháu cũng không rõ có phải là bẩm sinh không nữa mà anh em nhà cháu cũng không có ai bị lác cả. Bác sĩ cho cháu hỏi con cháu thị lực mắt vẫn ổn nhưng cháu muốn phẫu thuật mắt cho con để mắt được bình thường liệu có được không? Nếu chữa được thì chi phí hết bao nhiêu ạ? Cháu cảm ơn Bác sĩ!

Điều trị lác mắt ở trẻ em

Ảnh minh họa

Trả lời:

Theo như trong thư cháu cho biết bé nhà cháu bị lác mắt. Mắt lác, hay mắt lé, là khi nhìn vật nào đó, hai mắt không thẳng hàng mà có một mắt lệch đi so với mắt kia. Có thể lệch vào trong gọi là lác trong, lệch ra ngoài gọi là lác ngoài, hoặc lệch lên trên gọi là lác đứng trên, lệch xuống dưới gọi là lác đứng dưới. Lác xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các cơ ngoại nhãn của mắt, làm cản trở sự phát triển thị giác hai mắt và có thể ảnh hưởng đến thị lực, đồng thời cảm nhận chiều sâu-khả năng định vị một vật nào đó trong không gian 3 chiều-có thể mất thị giác hai mắt.

Lác mắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, lác bẩm sinh hoặc mắc phải, cũng có yếu tố di truyền. Với trẻ bị lác bẩm sinh thì chưa rõ nguyên nhân, có thể do di truyền.

Lác mắt ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thị giác sẽ gây ra những tác hại cực kỳ quan trọng, có thể gây nhược thị mất khả năng nhìn bằng hai mắt, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như không thể làm một số nghề nghiệp đòi hỏi thị giác hai mắt tốt.

Hiện nay một số gia đình có quan niệm trẻ bị lác mắt không cần điều trị mà lớn lên sẽ tự khỏi. Đây là điều hoàn toàn sai lầm, vì chữa trị càng sớm thì bé càng có cơ hội khỏi bệnh. Nếu chữa lác trước 3 tuổi, tỷ lệ thành công lên tới 92%, 6-8 tuổi là 62%. Nếu để lâu, mắt bé sẽ thành tật nên khả năng phục hồi sẽ kém.

Để điều trị lác, bác sĩ có thể băng kín một bên mắt không bị tật, để giúp bé luyện tập hướng nhìn cho bên mắt còn lại, hoặc cho bé đeo một loại kính đặc biệt để chỉnh hướng nhìn cho mắt của bé. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thêm một cuộc phẫu thuật nhỏ. Chi phí của việc điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ bệnh của bé, kỹ thuật áp dụng và thời gian điều trị dài hay ngắn.

Phương pháp bịt mắt khi chữa lác cho bé phải được sự chỉ định của bác sĩ. Bởi tùy tình trạng bệnh, bé có thể được bác sĩ chỉ định bịt mắt bằng thuốc, bằng kính hay bằng miếng vải; bịt thường xuyên hay cách quãng. Ngoài ra, bé có thể được hướng dẫn các trò chơi như xếp hình, xâu hạt vòng để giúp tăng sự phối hợp tập trung của cả 2 mắt.

Do đó cháu nên đưa bé đi khám chuyên khoa mắt để bé được điều trị càng sớm càng tốt.

Chúc bé sớm có đôi mắt khỏe mạnh!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!