Điều trị loãng xương: Các khó khăn và thách thức

Kỹ năng sống - 11/28/2024

Hiện nay, Loãng xương đang được coi là một vấn đề rất lớn của sức khỏe cộng đồng, đang gia tăng nhanh, không những liên quan đến tuổi, giới, di truyền, dinh dưỡng, lối sống, sinh hoạt, tiền sử gia đình... mà còn liên quan tới nhiều loại thuốc và các bệnh mạn tính khác.

Bệnh cũng là yếu tố thúc đẩy và làm nặng thêm các bệnh lý khác ở người cao tuổi, nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức.

Loãng xương là một bệnh lý ảnh hưởng đến 1 trong 3 phụ nữ (33%) và 1 trong 5 (20%) nam giới trên 50 tuổi trên toàn thế giới. Hệ quả nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương là gãy xương. Gãy xương là một gánh nặng về kinh tế xã hội cho mọi quốc gia, đặc biệt là nước ta, vì người bị gãy xương do loãng xương có nguy cơ tử vong cao và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh khác. Gần 25% bệnh nhân bị gãy xương đùi sẽ tử vong trong vòng 12 tháng sau biến cố gãy xương.

Vì vậy biến cố gãy xương do loãng xương được coi là nặng nề tương đương với đột quy và nhồi máu cơ tim trong các bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, sau gãy xương người bệnh còn phải chịu đau đớn kéo dài, giảm chất lượng sống, mất khả năng lao động và vận động, sống phụ thuộc và tàn phế, chi phí điều trị loãng xương vì thế càng ngày càng tăng cao, gây nên gánh nặng kinh tế lớn cho gia đình và xã hội.

Điều trị loãng xương: Các khó khăn và thách thức

Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam đang là 1 trong 15 quốc gia hàng đầu thế giới về dân số. Tuy nhiên với mức sống và thu nhập không cao, kinh tế phát triển còn chậm, sự già hóa dân số lại diễn ra quá nhanh, chất lượng của tuổi thọ chưa cao…, các bệnh liên quan đến tuổi như Loãng xương đã trở thành thách thức lớn cho xã hội.

Gãy xương do loãng xương được coi là nặng nề tương đương với đột quy và nhồi máu cơ tim trong các bệnh lý tim mạch

Tam giác dự phòng loãng xương

Loãng xương là bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả bằng một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, kết hợp với chế độ sinh hoạt, vận động hợp lý ngay từ khi còn trẻ và duy trì suốt cuộc đời.

Canxi là một khoáng chất quan trọng, thành phần chính cấu thành bộ xương và hàm răng của con người (99% canxi của cơ thể tập trung ở xương và răng), nhưng cơ thể không tự tổng hợp được mà bắt buộc phải được cung cấp từ chế độ ăn hàng ngày của mỗi người. Thiếu canxi là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu xương và loãng xương. Đặc biệt từ sau tuổi 30, mật độ xương bắt đầu giảm dần do quá trình hủy xương dần dần vượt trội hơn quá trình tạo xương, nếu cơ thể không được bổ sung lượng canxi thích hợp sẽ không bù đắp được khối lượng xương đã mất đi, dẫn đến quá trình loãng xương xảy ra sớm và trầm trọng hơn.

Nhu cầu canxi hàng ngày của cơ thể dao động từ 210mg đến 1.500mg, thay đổi theo lứa tuổi và phụ thuộc quá trình phát triển, chu kỳ sống của xương, sự hấp thụ canxi của mỗi người.

Điều trị loãng xương: Các khó khăn và thách thức

Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng canxi từ bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam trung bình là 500mg, ước tính chỉ cung cấp khoảng 50% nhu cầu canxi ở người trưởng thành. Do đó, trước hết chúng ta cần tận dụng tối đa canxi trong các loại thực phẩm giầu canxi, nếu chưa đủ sẽ bổ sung thêm bằng thuốc:

- Tăng cường sử dụng sữa, các chế phẩm từ sữa, các thức ăn giàu canxi như tôm, cua, cá, các loại rau củ có màu xanh đậm (rau cải xanh, rau ngót, rau mồng tơi, rau đay, bông cải xanh, rau bó xôi, các loại rau mầm, trái ớt ngọt, cam tươi, đu đủ, dâu tây, kiwi…), thủy hải sản (cá, tôm, cua, ốc…). Một ly sữa tươi thông thường chứa khoảng 250mg canxi.

Luợng canxi từ bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam trung bình là 500mg, ước tính chỉ cung cấp khoảng 50% nhu cầu canxi ở người trưởng thành

- Đặc biệt, trong những giai đoạn mà cơ thể đòi hỏi một lương canxi cao (phụ nữ mang thai và cho con bú, phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh, người cao tuổi…) khi chế độ ăn hàng ngày không đáp ứng đủ, các viên canxi, ống canxi dược phẩm sẽ là một nguồn bổ sung quan trọng.

- Bên cạnh đó, để hấp thu canxi tối ưu, chúng ta cần chú trọng bổ sung vitamin D hàng ngày bằng việc phơi nắng trực tiếp 15 phút vài lần trong tuần, tốt nhất là vào buổi sáng sớm (6g30 - 7g30) sẽ là cách bổ sung vitamin D hiệu quả và kinh tế nhất bởi vì nguồn vitamin D dồi dào nhất là từ ánh sáng mặt trời.

Thuốc điều trị loãng xương

Loãng xương là một bệnh mạn tính, tiến triển và liên quan đến tuổi, một liệu trình điều trị loãng xương thường kéo dài 3 - 5 năm, thậm chí tới 10 năm để có được hiệu quả ngăn ngừa hay làm giảm nguy cơ gãy xương. Hiện nay các loại thuốc chủ yếu để điều trị loãng xương đã có mặt tại Việt Nam và đã được bảo hiểm y tế chi trả. Các thuốc này đều có bằng chứng về hiệu quả và an toàn trong điều trị các thể loại loãng xương chính như loãng xương sau mãn kinh, loãng xương người già, loãng xương nam giới, loãng xương do corticosteroid, loãng xương thứ phát… Để việc điều trị loãng xương hiệu quả người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc chế độ điều trị, bao gồm thuốc điều trị loãng xương, canxi, vitamin D (đủ theo nhu cầu hàng ngày) và tập vận động đều đặn.

Một số chế phẩm canxi và vitamin D cũng đang nằm trong danh sách chi trả của bảo hiểm y tế. Từ các thông tin về nhu cầu hàng ngày, nghiên cứu về tình trạng thiếu canxi và vitamin D trong khẩu phần ăn hàng ngày, các kiến thức khoa học đến các lĩnh vực liên quan (tim mạch, chuyển hóa, thận mạn tính…), các bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân và cộng đồng cách bổ sung canxi và vitamin D như thế nào để đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Điều trị loãng xương: Các khó khăn và thách thức

Bên cạnh đó, cần chú trọng bổ sung vitamin D hàng ngày bằng việc phơi nắng

Vì chế độ ăn của người Việt chưa đáp ứng đủ nhu cầu canxi của cơ thể, chúng ta có thể bổ sung khoảng 600 - 1.000mg canxi dược phẩm mỗi ngày. Bên cạnh đó, ngoài việc tham gia duy trì sức khỏe xương, phòng chống té ngã và điều trị loãng xương, các nghiên cứu mới đây khẳng định vai trò quan trọng của vitamin D trong việc duy trì sức khỏe nói chung. Thiếu hụt vitamin D đang là vấn đề y tế toàn cầu, làm gia tăng nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm và ảnh hưởng đến thai kỳ. Bổ sung 1.000 - 1.200UI vitamin D hàng ngày giúp phòng ngừa nhiều bệnh: ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, vẩy nến, viêm đường ruột, viêm khớp, viêm gan, nhiễm trùng, lao phổi, alzheimer…

Loãng xương cũng là một dạng bệnh nội tiết

Loãng xương là một bệnh rối loạn chuyển hóa xương nên thực chất đây là bệnh nội tiết. Hơn thế nữa, bệnh lại mang tính cộng đồng với tỉ lệ mắc bệnh cao, diễn tiến âm lặng nhưng gây hậu quả nặng nề cho người bệnh, gia đình và xã hội. Bệnh cần được điều trị sớm, liên tục và lâu dài để ngăn ngừa hay giảm nguy cơ gãy xương cũng giống như việc điều trị tăng huyết áp để ngăn ngừa đột quỵ hay điều trị bệnh mạch vành để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, vì gánh nặng kinh tế xã hội và nguy cơ tử vong do gãy xương, đột quỵ hay nhồi máu cơ tim tương đương nhau.

Ngày 11/8/2018, tại Đà Lạt, hơn 300 bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia về bệnh lý loãng xương đã tham dự Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XII do Hội Loãng xương TP.HCM tổ chức. Chủ đề của hội nghị năm nay là “Loãng xương, những vấn đề cơ bản, các xu hướng khoa học mới và các bệnh liên quan”.

PGS.TS.BS. Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM, cho biết đây là một diễn đàn quy tụ các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, chuyên gia hàng đầu về loãng xương trong và ngoài nước để báo cáo các thành tựu và xu hướng mới, các nghiên cứu mới, thảo luận các giải pháp và các vấn đề liên quan đến bệnh lý loãng xương.

Các giải pháp hiện nay cho phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh loãng xương đều mang lại hiệu quả thực sự cho cộng đồng. Tuy nhiên, các báo cáo viên cũng đưa ra một số thực trạng về tình trạng thiếu chẩn đoán, thiếu điều trị… do một số quan điểm sai lầm, thậm chí đi ngược lại các tiến bộ chung, dẫn đến việc kiểm soát bệnh loãng xương đang trở nên khó khăn hơn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và những giải pháp nhằm cải thiện tình trạng này.

Hội nghị cũng nhấn mạnh, loãng xương là bệnh lý phức tạp, có liên quan đến nhiều bệnh lý mạn tính khác và cũng chịu tác động của nhiều bệnh lý khác nhau. Các đề tài còn đề cập tới tình trạng đau cấp và mạn trong loãng xương, loãng xương ở nam giới, mối liên quan của loãng xương với đái tháo đường, bệnh thận mạn, các lưu ý trong việc bổ sung calcium….

PGS.TS. Lê Anh Thư

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!