Trên thế giới, cứ 45 giây có một người đột quỵ. Theo thống kê của Hội phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trong số đó, khoảng 50% trường hợp tử vong. Bệnh đột quỵ đang có xu hướng trẻ hoá.
Vừa qua, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ 20 - 40 tuổi nhập viện do đột quỵ, trong đó có những người thân hình cao lớn, không có tiền sử bệnh tim.
Đột quỵ là gì?
Đội quỵ (tai biến mạch máu não) là bệnh tổn thương một phần não, mạch máu não bị vỡ hoặc tắc nghẽn. Bệnh xảy ra đột ngột khiến người bệnh liệt nửa người, khó nói, có thể rơi vào trạng thái hôn mê. Đây là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu cho bệnh nhân. Đột quỵ có tỉ lệ tử vong cao thứ 3, sau tim mạch và ung thư.
Bệnh đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa
Xu hướng trẻ hoá của bệnh
Theo các bác sỹ, đột quỵ thường xảy ra với người ngoài 50 tuổi. Tuy vậy, những năm vừa qua, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc đột quỵ ngày càng có xu hướng tăng .Tạp chí y khoa Lancet (Anh) từng công bố nghiên cứu liên quan đến tình trạng này của nhiều nhà khoa học Anh, Mỹ, Pháp.
Hơn 100 nghiên cứu được tiến hành trong suốt 10 năm cho thấy số vụ bệnh nhân 20 - 64 tuổi bị đột quỵ có xu hướng tăng, từ 25% trước năm 1990 lên khoảng 31% vào năm 2000. Số lượng bệnh nhân từ 20 trở xuống chiếm khoảng 0,5%. Đông Á, Bác Mỹ, châu Âu là khu vực có nhiều người đột quỵ nhất. Các bác sỹ trường Y Cincinnati, Hoa Kỳ, cũng từng nghiên cứu và kết luận bệnh đột quỵ ngày càng dễ gặp ở người trẻ tuổi.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ mắc đột quỵ có chiều hướng tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm. Năm 2013, hội thảo khoa học 'Chiến lược dự phòng và điều trị đột quỵ' diễn ra tại Hà Nội cũng cho thấy bệnh ngày càng trẻ hoá.
Một số nguyên nhân
Làm việc quá sức khiến tinh thần căng thẳng, mệt mỏi dễ dẫn đến đột quỵ
Theo các bác sỹ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ. Trong đó, lối sống không lành mạnh được xem là nguyên nhân hàng đầu. Việc uống rượu bia, hút thuốc lá thường xuyên dễ gây đột quỵ.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng mất cân đối (nhiều muối, chất béo), lười vận động… cũng tác động không nhỏ. Việc sử dụng thuốc tránh thai có estrogen cũng làm tăng khả năng tắc mạch máu. Vì thế, bạn không nên tuỳ tiện dùng thuốc này, đặc biệt với thuốc tránh thai khẩn cấp.
Áp lực, căng thẳng cũng là một yếu tố gây đột quỵ. Người trẻ ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống, công việc. Căng thẳng thường xuyên làm ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu não.
Người trẻ tuổi mắc các bệnh liên quan đến máu, tim mạch như huyết áp cao, tiểu đường, béo phì… ngày càng có xu hướng tăng cao, góp phần vào việc gia tăng khả năng bị đột quỵ.
Thêm vào đó, những người trẻ tuổi khi khám bệnh dễ bị chẩn đoán thành đau nửa đầu, đa xơ cứng, động kinh hoặc lo âu quá mức. Nguyên do triệu chứng đột quỵ ở người trẻ thường khác với người cao tuổi. Khi đột quỵ xảy ra, hậu quả thường nặng nề hơn.
Hãy xây dựng một lối sống khoa học và lành mạnh ngay từ khi còn trẻ
Biện pháp phòng ngừa
- Để phòng bệnh, bạn cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vitamin và rau xanh. Mỗi ngày không ăn quá 5 g muối, giảm chất béo và tinh bột. Ngoài ra cần hạn chế rượu bia, bỏ thuốc, không sử dụng các chất kích thích…
- Tăng cường vận động mỗi ngày, lựa chọn các bài tập phù hợp với thể lực, không tập quá sức. Nên kiểm soát căng thẳng bằng các biện pháp thư giãn, nhờ sự giúp đỡ của chuyên viên tâm lý.
- Tiến hành kiểm tra định kỳ huyết áp, đường máu, mỡ máu để phát hiện các bệnh liên quan và điều trị sớm. Khi thấy các triệu chứng chân tay yếu dần, đi lại khó khăn, nhịp tim rối loạn, lú lẫn… cần đi khám để xác định bệnh và tiến hành điều trị.
Ảnh minh họa: Internet
Thanh Nguyên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!