Đột quỹ não (tai biến mạch não) có thể khiến một người đang khỏe mạnh bỗng dưng gục xuống, liệt nửa người, hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong hoặc sống với các di chứng nặng nề.
Đột quỵ não là hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột, gây thiếu máu não. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Hinh - Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, đột quỵ não là câu chuyện về chuyển hóa trong cơ thể, do 2 nguyên nhân chính: mạch não bị tắc (do mạch máu bị xơ vữa làm lòng mạch hẹp dần và tắc tại chỗ; hay cục máu đông, mảng xơ vữa di chuyển từ những vị trí khác lên động mạch não và gây tắc) hoặc mạch máu bị vỡ (do tăng huyết áp đột ngột, vỡ dị dạng động mạch não).
Hầu hết các trường hợp đột quỵ não xảy ra một cách đột ngột mà không có triệu chứng báo trước. Nhiều bệnh nhân có thể có cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua và hồi phục hoàn toàn trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, cơn đột quỵ não có thể người bệnh khỏe mạnh ngã gục và để lại nhiều di chứng nặng nề.
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ não có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Các triệu chứng phổ biến là đột ngột thấy tê, yếu hoặc liệt một nửa người; méo miệng, nói đớ lưỡi, không nói được hoặc không hiểu lời người khác; đột nhiên bị mù mắt, chóng mặt, nhức đầu dữ dội, nôn ói, lơ mơ hoặc hôn mê...
Khi thấy một người có các triệu chứng kể trên, người nhà nên đỡ người bệnh để không bị té ngã và đặt nằm xuống chỗ thoáng khí. Nếu người bệnh nôn ói hoặc lơ mơ thì phải đặt nghiêng đầu sang một bên, lau sạch chất ói hoặc đờm dãi, thức ăn trong miệng để thở tốt, tránh hít sặc vào phổi. Tuyệt đối không vắt chanh hay cho bất cứ thứ gì vào miệng bệnh nhân. Sau đó, gọi cấp cứu hoặc dùng xe nhanh chóng đưa tới bệnh viện gần nhất. Tốt nhất là đưa người bệnh đi cấp cứu ở tư thế nằm. Không cạo gió, trích máu, tự ý dùng thuốc (kể cả thuốc hạ huyết áp mà bệnh nhân thường uống) hay để mất thời gian chờ xem người bệnh có khỏe lại hay không.
Giáo sư Lê Đức Hinh nhấn mạnh, việc điều trị đột quỵ não rất khó khăn và phức tạp. Nếu may mắn được cứu sống thì người bệnh phải trải qua một quá trình luyện tập trong nhiều tháng, nhiều năm để phục hồi các chức năng. Do đó, người chưa mắc bệnh cần phát hiện sớm và can thiệp kịp thời để ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Đối với người từng bị tai biến mạch não, cần dự phòng bệnh tái phát.
Nên phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ não như tránh nếp sống tĩnh tại, tăng cường tập thể dục, vận động vừa sức; không lạm dụng các chất kích thích (thuốc lá, rượu bia... ); kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị các bệnh lý đi kèm; không ăn nhiều mỡ, chất ngọt, tinh bột; hạn chế muối; nên ăn nhiều rau, củ, quả; tránh stress, xúc động hay chấn thương tâm lý…
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ não mới. Đây là con số được Giáo sư Lê Đức Hinh công bố tại Hội nghị thường niên về đột quỵ não khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2014, do Hội Thần kinh học TP HCM phối hợp cùng Sanofi tổ chức. Ngoài ra, các chuyên gia của hội nghị còn phân tích, thảo luận về đánh giá sớm nguy cơ đột quỵ; phòng ngừa thứ phát dựa theo chứng cứ; điều trị cơn thoáng thiếu máu não và đột quỵ nhẹ bằng liệu pháp kháng tiểu cầu kép ở nước ta.
>> Xem thêm: Đột quỵ não: Dấu hiệu và cách xử trí
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!