Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế Maimonides, New York, Mỹ hôm 19/4. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 4/5, một mô hình dự đoán rất có uy tín tại Mỹ đã điều chỉnh tăng đáng kể dự báo số ca tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia này sau khi nhiều vùng bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế.
Cụ thể, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe Mỹ (IHME) dự báo số ca tử vong sẽ tăng lên mức 134.475 ca vào ngày 4/8, gần gấp đôi so với con số dự báo 72.433 ca được đưa ra hôm 29/4 vừa qua.
Dự báo mới của IHME tính tới thực tế rằng một số bang đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, đồng thời kết hợp với các dữ liệu tổng hợp từ các ứng dụng điện thoại di động và các nền tảng khác về tình trạng di chuyển của người dân trong thời gian phong tỏa.
Giám đốc IHME Christopher Murray nhận định biện pháp giãn cách xã hội thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn virus lây lan.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động đi lại tại nhiều bang gia tăng thậm chí trước cả khi biện pháp này hết hiệu lực.
Cùng ngày, New York Times và Washington Post dẫn một tài liệu nội bộ cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ước tính số ca mắc mới có thể tăng lên mức 200.000/ngày vào ngày 1/6 tới trong khi số ca tử vong cũng sẽ tăng lên 3.000 ca/ngày.
Theo phóng viên TTVVN tại Mỹ, đây được cho là tài liệu nội bộ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Hiện CDC chưa đưa ra phản ứng trước thông tin trên.
Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết tài liệu này không được trình cho lực lượng chuyên trách ứng phó với dịch COVID-19 của Nhà Trắng hay được kiểm tra liên ngành.
Hiện Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất bởi đại dịch COVID-19 với hơn 1,1 triệu ca nhiễm và hơn 69.000 ca tử vong.
Sau 2 tuần áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tới nay nhiều hoạt động đã được nối lại tại hầu hết các bang.
Sáng 5/5 (giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ họp phiên chính thức đầu tiên sau 5 tuần gián đoạn để giải quyết những bất đồng giữa các phe phái về bước đi tiếp theo tại cơ quan lập pháp trong ứng phó đại dịch và xem xét thông qua một loạt ứng cử viên vào các vị trí cấp cao trong chính phủ vốn được Tổng thống Donald Trump đề cử.
Là tâm dịch của cả nước Mỹ, bang New York vẫn đang thận trọng xây dựng kế hoạch đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường khi số ca tử vong ở đây đã xuống mức thấp nhất từ khi dịch bùng phát.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 4/5 đã đưa ra 7 tiêu chí mà các khu vực dân cư của bang này cần đáp ứng nếu muốn mở cửa trở lại.
Bảy tiêu chí gồm số người nhập viện giảm liên tục trong 14 ngày hoặc số ca nhập viện ít hơn 15; số ca tử vong giảm liên tục trong 14 ngày hoặc số ca ít hơn 5; tỷ lệ nhập viện mới ít hơn tỷ lệ 2 ca/100.000 người mỗi ngày; tỷ lệ giường bệnh trống ít nhất là 30%; tỷ lệ giường điều trị cấp cứu còn trống ít nhất là 30%; tỷ lệ xét nghiệm virus đạt ít nhất 30 mẫu/1.000 người mỗi tháng; và đạt tỷ lệ cứ 100.000 người dân thì có 30 người phụ trách truy dấu tiếp xúc.
Sau khi lĩnh vực xây dựng và sản xuất được hoạt động trở lại vào tháng 4, Thống đốc Cuomo cho biết trong giai đoạn 2, các ngành bán lẻ, dịch vụ và bất động sản sẽ được hoạt động trở lại, giai đoạn 3 sẽ tới lượt các khách sạn, nhà hàng, và giai đoạn 4 sẽ tới các ngành nghệ thuật, giải trí.
Các khu vực phải đáp ứng 7 tiêu chí trên bao gồm thành phố New York và các vùng phụ cận trong thời gian qua vốn ghi nhận tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn các nơi khác.
Cũng trong ngày 4/5, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cho biết chính quyền thành phố sẽ phân phát 7,5 triệu khẩu trang cho cư dân để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Phát biểu họp báo, ông Blasio cho hay chính quyền sẽ phân phát 5 triệu khẩu trang 3 lớp và 2,5 triệu khẩu trang vải khác trên toàn thành phố. Các địa điểm phát khẩu trang là cửa hàng tạp hóa, công viên và các điểm bán thực phẩm.
Ngoài ra, thành phố New York cũng sẽ cung cấp 1,9 triệu khẩu trang y tế cho các viện dưỡng lão thuộc 5 quận của thành phố. Bang New York đã yêu cầu tất cả người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng từ giữa tháng 4 vừa qua.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!