Đừng để "tiền mất tật mang" vì những bài thuốc truyền miệng

Kiến Thức Y Học - 11/24/2024

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, thông tin ngày càng được lan truyền rộng rãi và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, đôi khi vì quá tin theo những lời “truyền miệng” trên Facebook về những bài thuốc khoa trương của các thầy thuốc “rởm”, người bệnh rất dễ dàng “tiền mất tật mang”.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, thông tin ngày càng được lan truyền rộng rãi và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, đôi khi vì quá tin theo những lời “truyền miệng” trên Facebook về những bài thuốc khoa trương của các thầy thuốc “rởm”, người bệnh rất dễ dàng “tiền mất tật mang”.

Hệ lụy từ những bài thuốc “truyền miệng”

Chia sẻ với phóng viên, anh P.H.D (48 tuổi, Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, trong mỗi lần “trà dư tửu hậu” các ông thường mách nhau cây này, cây kia mọc quanh vườn, bờ cỏ ven đường là cây thuốc. Cho nên, khi thấy mình vàng da, đau tức ngực anh đã xách bao bì đi khắp đồi nhổ cây chó đẻ răng cưa (hay còn gọi là diệp hạ châu) về sắc uống.

“Các ông ấy bảo trên mạng người ta nói cây chó đẻ răng cưa là “thần dược” điều trị bệnh gan, chỉ cần kiên trì uống đều đặn mỗi ngày là bệnh ắt tự khỏi nên tôi không đi khám” - anh D. chia sẻ. Thậm chí, anh không nhớ mình đã uống hết bao nhiêu kg cây chó đẻ răng cưa cả tươi lẫn khô từ năm này qua năm khác.

Ban đầu, bệnh tình có thuyên giảm nhưng càng về sau anh sụt cân nhanh, da và mắt vàng rõ. Sau đó, anh đi khám bác sĩ và nhận được kết quả bị xơ gan, nồng độ men gan trong máu cao. Được biết, trong thời gian uống thuốc anh P.H.D vẫn uống rượu, hút thuốc lá vì tin rằng cây chó đẻ răng cưa có thể “giải độc” nên cứ “yên tâm” chè chén.

Đừng để "tiền mất tật mang" vì những bài thuốc truyền miệng

Tương tự, chị N.T.T (32 tuổi, Hà Nội) cũng "tiền mất tật mang" khi đổ xô tìm mua cây mật gấu vì công dụng điều trị bệnh ung thư. Tuy nhiên, chị T. cho hay, chị biết thông tin này do “dân cư mạng” truyền nhau trên facebook. Bản thân tuy không mắc bệnh nan y nhưng do tâm lý bị ám ảnh bệnh ung thư nên chị cho rằng phòng còn hơn chống. Mặt khác, chị T. quan niệm cây thuốc nam vô hại, không có lợi cái này thì bổ cái khác chứ không “độc” như thuốc tây. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng sức khỏe chị T. suy giảm, huyết áp bị tụt đột ngột phải nhập viện điều trị.

Trả lời PV Báo điện tử Công lý, Thầy thuốc nhân dân, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Siêm cho biết: “Đối với cây thuốc nam, nếu người dùng không biết cách sử dụng mà chỉ nghe người này, người kia mách lại với nhau nhất là những thông tin không xác thực được nguồn gốc thì rất nguy hiểm. Chiếc xe máy hư còn chữa lại được chứ người dùng nhầm thuốc thì có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng”.

Cẩn trọng với “thầy thuốc Facebook”

Nói về cây chó đẻ răng cưa, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Siêm cho biết đây là vị thuốc có tác dụng chữa một số bệnh lý về gan. Tuy nhiên, nếu dùng quá liều sẽ phản tác dụng như bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp, suy nhược cơ thể thậm chí là suy gan ...

Đối với cây mật gấu, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội cho hay đây tuy là một vị thuốc nhưng không có tác dụng điều trị bệnh ung thư như lời đồn thổi trên mạng xã hội. “Trong Đông y, cây mật gấu thuộc nhóm thanh nhiệt, có tác dụng hạ nhiệt, chữa các bệnh ở bên trong cơ thể. Tuy nhiên, khi người bệnh dùng với liều lượng quá nhiều sẽ gây ảo giác, tụt huyết áp, cơ thể mệt mỏi” – ông Siêm cho biết thêm.

Ông Siêm cho biết, hiện nay người dân đang tin tưởng và có xu hướng điều trị bệnh bằng y học cổ truyền nhưng các vị thuốc phải được sử dụng đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp người dân chưa trang bị được kiến thức về Đông y thì không nên “tự ý bốc thuốc cho mình”. Đồng thời, người bệnh nên tìm đến những thầy thuốc, cơ sở bán thuốc Đông y uy tín để khám và cắt thuốc.

“Ngay cả việc ăn cơm – thứ tưởng chừng như không độc hại nhưng cũng có thể sinh bệnh nếu như quá no hoặc quá đói. Tương tự, cây thuốc cũng có hai mặt nếu người dùng không biết cách sử dụng sẽ gây hại. Chưa kể đến việc người dân có thể nhầm lẫn cây thuốc này sang một loại cây khác có bề ngoài tương đối giống nhau. Đơn cử như cây chè vằng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc nếu người ở vùng xuôi lên miền núi rất dễ nhầm với cây lá ngón – một loại cây chỉ cần ăn 3 lá độc tố đủ để chết người” - Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội cho hay.

Đừng để "tiền mất tật mang" vì những bài thuốc truyền miệng

Đặc biệt, đối với các loại cây thuốc được ngâm trong các bình rượu thuốc thường thấy ở các hàng quán ăn, ông Siêm khuyên người dân không nên dùng. Nói về điều này, ông phân tích: “Chúng ta chỉ nghe được chủ hàng quán, các trang mạng quảng cáo rầm rộ rằng bổ cái nọ bổ cái kia nhưng trên thực tế thực tế đó là cây gì thì ta không thể xác định được. Chưa kể đến việc rượu dùng để ngâm thuốc cũng nguy hiểm vì có khả năng bị làm giả. Như vậy, một khi từ cây thuốc đến rượu ngâm đều có độc thì người uống thiệt hại đơn lẫn thiệt hại kép thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho bản thân và gia đình, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Siêm khuyến cáo người dân không nên tin tưởng hay đặt mua thuốc từ các bài thuốc khoa trương về công dụng của các “thầy thuốc trên facebook”.

“Những ông thầy này đăng bài thuốc thông tin không chính xác. Lúc này, thầy không ra thầy mà thuốc càng không rõ nguồn gốc. Thậm chí, thầy tuy rêu rao bán thuốc cũng không dám đứng ra nhận đó là bài của mình viết chưa nói đến việc thầy đã có chứng chỉ hành nghề hay chưa. Bởi thế, để tránh "tiền mất tật mang", người dân chỉ nên mua và sử dụng thuốc của những thầy thuốc, hiệu thuốc đã có uy tín” - Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, Nguyễn Hồng Siêm cho biết thêm.

Chính vì vậy, đứng trước biển thông tin vô bờ bến, người đọc cần giữ cho mình một cái đầu thật tỉnh táo để tránh không bị kẻ xấu lợi dụng và “dắt mũi” khiến tiền thì mất mà tật lại mang.

(Theo Công lý)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!