Dùng thực phẩm chức năng có thực sự an toàn?

Thời sự - 11/24/2024

Tuy có thể giống với thuốc về hình dáng bên ngoài, thực phẩm chức năng (TPCN) chịu sự quản lý về tính hiệu quả và tính an toàn như là thực phẩm, không được sử dụng cho mục đích điều trị, chẩn đoán và ngăn ngừa bệnh.

Thực phẩm chức năng là sản phẩm được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng và các dạng chế biến khác có chứa một hoặc hỗn hợp của các chất bao gồm vitamin, khoáng chất, acid amin, chiết xuất từ thực vật và động vật... nhằm mục đích bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hay làm giảm nguy cơ bệnh. Chính vì ưu điểm này khiến cho nhiều người tự mua và sử dụng mà không cần có sự tư vấn của các nhà chuyên môn. Vậy việc sử dụng này có thực sự an toàn?

Dùng khi nào?

Đối với những người ăn chay trường hay bệnh nhân gặp các vấn đề về sức khỏe khiến sự hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn không trọn vẹn hoặc khi cần tiêu thụ nhiều hơn mức dinh dưỡng thông thường, thực phẩm chức năng (TPCN) có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe. Một vài ví dụ về hiệu quả của TPCN như:

Bệnh nhân loãng xương cần nhiều calci và vitamin D hơn so với lượng cung cấp từ bữa ăn hàng ngày.

Bệnh nhân bị hội chứng Crohn, không dung nạp gluten khiến việc hấp thụ một vài chất dinh dưỡng gặp khó khăn.

Những người thiếu hụt vitamin B12 cần bổ sung thêm TPCN trong chế độ ăn hàng ngày.

Sự kết hợp giữa vitamin C, vitamin E, các carotenoids, đồng và kẽm có thể làm chậm tiến triển của bệnh thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi.

Acid folic có thể giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh.

Tác dụng hỗ trợ của omega-3 đối với một số bệnh nhân tim mạch.

Dùng thực phẩm chức năng có thực sự an toàn?

TPCN sẽ không an toàn với một số người.

Có thực sự an toàn?

Tuy có thể giống với thuốc về hình dáng bên ngoài, TPCN chịu sự quản lý về tính hiệu quả và tính an toàn như là thực phẩm, không được sử dụng cho mục đích điều trị, chẩn đoán và ngăn ngừa bệnh.

Hiện nay các nghiên cứu khoa học về công dụng của một số thành phần trong TPCN vẫn chưa rõ ràng, đầy đủ. Ví dụ như tác dụng của Ginko biloba đối với bệnh sa sút trí tuệ, hay sự kết hợp giữa glucosamine và chrondoitine đối với bệnh viêm khớp.

Rất nhiều TPCN chứa các hoạt chất có hoạt tính sinh học mạnh, có thể gây nguy hiểm cho người dùng hoặc làm tình trạng sức khỏe của họ xấu đi hoặc thậm chí đe dọa tính mạng, đặc biệt trong trường hợp sử dụng nhiều loại TPCN cùng lúc, sử dụng chung với thuốc (kê đơn hay không kê đơn), thay thế thuốc bằng thực phẩm chức năng hoặc sử dụng quá liều khuyến cáo.

TPCN cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ về tác dụng phụ mà hầu hết những tác dụng này chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đang sử dụng. Có những TPCN có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu, hoặc thay đổi sự đáp ứng của cơ thể đối với thuốc gây mê nếu sử dụng trước khi phẫu thuật.

Một số nguy cơ có thể xảy ra

Một số tác dụng phụ hay gặp ở vitamin có thể kể đến như sau:

Nhóm vitamin tan trong dầu

Vitamin A (retinol, retinal, retinoic acid): buồn nôn, ói mửa, đau đầu, chóng mặt, dị tật bẩm sinh, vấn đề về gan, loãng xương... Các tác dụng này có thể trầm trọng hơn ở những bệnh nhân có bệnh gan, cholesterol máu cao hoặc thiếu protein.

Vitamin D (calciferol): Buồn nôn, chán ăn, sụt cân, táo bón, vấn đề về nhịp tim,...

Vitamin E và K: Tương tác với thuốc chống kết tập tiểu cầu.

Nhóm vitamin tan trong nước

Vitamin B3 (niacin): Đỏ mặt, kích ứng dạ dày.

Vitamin B6 (pyridoxine, pyridoxal, pyridoxamine): Tổn thương thần kinh chi, gây tê, run rẩy và đau.

Vitamin C (ascorbic acid): kích ứng dạ dày, sỏi thận, tăng hấp thu sắt...

Acid folic (folate): Liều cao, nhất là ở người già, có thể che khuất dấu hiệu thiếu hụt vitamin B12 gây tổn thương thần kinh.

Những tương tác hay gặp giữa TPCN và thuốc

Vitamin K có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống đông máu warfarin.

Các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E có thể làm giảm tác dụng của liệu pháp hóa trị ở một số bệnh nhân ung thư.

Ngoài ra, quá liều vitamin A có thể dẫn đến đau đầu, tổn thương gan hay các dị tật bẩm sinh ở phụ nữ mang thai; sử dụng beta carotene liều cao có liên quan đến tăng khả năng ung thư phổi ở người hút thuốc; dư sắt có thể gây buồn nôn, ói mửa; dư calci và vitamin D có thể gây sỏi thận; liều cao vitamin E có thể dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não...

Lời khuyên thầy thuốc

Mức độ cần thiết sử dụng TPCN của mỗi người là khác nhau, việc sử dụng hay không và liều lượng, thời gian bao lâu là hợp lý đều cần có sự thăm khám, đánh giá và chỉ định từ bác sĩ hay sự tư vấn của dược sĩ.

Các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em, người mắc nhiều bệnh nền, bệnh mạn tính đang điều trị với nhiều thuốc cùng lúc cần cực kỳ cẩn trọng, không nên sử dụng tùy ý hay theo kinh nghiệm truyền miệng vì rất nhiều TPCN hiện nay vẫn chưa được chứng minh về tính an toàn cho các đối tượng trên.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!