Dùng thuốc an toàn khi sốt xuất huyết

Thời sự - 11/24/2024

Theo Bộ Y tế, các ca mắc sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Đáng lo ngại là mới đây có các ca tử vong vì ngộ độc paracetamol khi tự chữa sốt xuất huyết và nhập viện quá muộn. Điều này khiến nhiều người băn khoăn về việc dùng thuốc hạ sốt trong sốt xuất huyết thế nào mới tránh khỏi ngộ độc và không nguy hiểm cho tính mạng.

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng, có thể gây biến chứng nghiêm trọng thậm chí tử vong. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phòng ngừa biến chứng nặng của bệnh. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời sẽ làm giảm tình trạng nặng của bệnh và giảm nguy cơ tử vong.

Việc điều trị phụ thuộc vào thể bệnh. Với SXH Dengue, phần lớn các trường hợp được điều trị ngoại trú và theo dõi tại tuyến y tế cơ sở. Người bệnh cần tái khám và làm xét nghiệm hàng ngày. Nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo sau, cần nhập viện điều trị: mệt lả, bứt rứt, khó chịu, li bì; không ăn uống được; đau bụng nhiều, nôn nhiều; tay chân lạnh, ẩm; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết tiêu hóa...; tiểu ít, không tiểu trên 6 giờ.

Ngoài ra, các trường hợp sau cũng nên nhập viện: Sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhỏ, phụ nữ có thai; người lớn tuổi (trên 60 tuổi); người thừa cân, béo phì; người mắc bệnh mạn tính: tim, thận, hen, COPD, đái tháo đường.

Dùng thuốc an toàn khi sốt xuất huyết

Chỉ nên dùng paracetamol hạ sốt khi mắc sốt xuất huyết.

Dùng thuốc nào?

Thuốc hạ sốt:Chỉ dùng paracetemol để hạ sốt khi bệnh nhân bị SXH. Đây là thuốc không kê đơn, dùng được cho mọi độ tuổi (khi không có chống chỉ định) nhưng cần đảm bảo đủ và đúng liều theo tờ hướng dẫn sử dụng của từng loại thuốc hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Bởi paracetamol có thể gây độc cho gan, thận khi dùng liều rất cao (15g/ngày với người lớn) hoặc kéo dài. Với trẻ em, liều dùng paracetamol hạ sốt là 10-15mg/kg/lần, cách 4-6giờ/lần, 1 ngày không quá 60mg/kg.

Ở trẻ em, có nhiều dạng bào chế khác nhau của paracetamol như thuốc viên, siro, thuốc bột pha uống và viên đạn đặt hậu môn... Cần lưu ý, khi sử dụng các dạng thuốc cho phù hợp với từng thời điểm. Cơ thể trẻ rất nhạy cảm, vì vậy phải chú ý đến tổng liều thuốc trong ngày không được vượt quá liều tối đa cho phép nhằm tránh ngộ độc do quá liều. Chính vì thế, khi trẻ sốt cao, có triệu chứng của SXH, cần được thăm khám ngay để được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc phù hợp.

Bù nước và điện giải:Bệnh gây thoát dịch khỏi lòng mạch hoặc khi sốt cơ thể sẽ mất nước, lúc này cần bù nước và điện giải. Ưu tiên là bù nước và điện giải bằng đường uống như dung dịch oresol hoặc nước dừa.

Không được tự truyền dịch tại nhà, truyền dịch phải thực hiện ở cơ sở y tế vì phải tính toán lượng dịch truyền cần chính xác và rất phức tạp. Tùy từng mức độ bệnh mà có chỉ định truyền dịch khác nhau. Nếu không tuân thủ chỉ định, việc bù dịch sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc thừa dịch sẽ gây rối loạn cân bằng nước và điện giải, thậm chí thừa dịch gây phù phổi cấp hoặc suy tim, dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Những thuốc không được dùng

Tuyệt đối không được dùng aspirin cho bệnh nhân SXH. Aspirin là thuốc giảm đau hạ sốt nhưng cũng là thuốc chống kết tập tiểu cầu, chống đông máu. Trong khi đó SXH lại gây chảy máu nên khi dùng aspirin sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa, nôn ra máu...) và khiến cho bệnh trầm trọng thêm. Đặc biệt là với trẻ em, aspirin là yếu tố thúc đẩy gây hội chứng Reye (phù não và suy gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tử vong khoảng 30-50%, nếu sống sót cũng để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn).

Ngoài ra, không được dùng ibuprofen cho bệnh nhân SXH, vì cũng có thể làm tăng nguy cơ gây chảy máu và các biến chứng nguy hiểm khác.

Thuốc kháng sinh không tiêu diệt được virus, do đó không được tự ý mua sử dụng, chỉ dùng khi có bội nhiễm vi khuẩn và được bác sĩ kê đơn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!