Dùng thuốc chống đông không thường xuyên, bệnh nhân hẹp van 2 lá bị đột quỵ

Các bệnh - 05/03/2024

Đột quỵ nhồi máu não nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng tàn tật nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh N.V.T (54 tuổi) đến từ Ninh Bình với biểu hiện nghi ngờ đột quỵ não.

Người nhà bệnh nhân T. cho biết, ông có tiền sử bệnh lý hẹp van 2 lá, rung nhĩ nhưng điều trị uống thuốc chống đông không thường xuyên. Vào buổi sáng sớm ngày nhập viện (29/2), người bệnh đột ngột giảm ý thức và ngã xuống sàn nhà, đã được sơ cứu tại tuyến y tế cơ sở trước khi chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Dùng thuốc chống đông không thường xuyên, bệnh nhân hẹp van 2 lá bị đột quỵ

Chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trao đổi về tình trạng đột quỵ của bệnh nhân N.V.T

Bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng giảm tri giác, liệt 1/2 người trái, được chẩn đoán ban đầu là tai biến mạch máu não. Ngay lập tức tình trạng bệnh nhân đã được thông báo cho nhóm điều trị đột quỵ não, người bệnh đã được chụp cắt lớp vi tính sọ não với kết quả có tắc động mạch não giữa bên phải, người bệnh được can thiệp lấy huyết khối qua đường động mạch (sau tai biến giờ thứ 6).

Sau can thiệp người bệnh đã cải thiện tình trạng liệt 3/5, tiếp tục điều trị nội khoa tích cực và tập phục hồi chức năng sớm để hạn chế di chứng về sau.

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh ASEAN, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần Kinh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Đột quỵ nhồi máu não nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng tàn tật nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, là gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh và toàn xã hội.

Dùng thuốc chống đông không thường xuyên, bệnh nhân hẹp van 2 lá bị đột quỵ

Khuyến cáo về bệnh đột quỵ

Liên quan tới phát hiện đột quỵ, theo khuyến cáo của Hiệp hội Đột quỵ quốc gia Hoa Kỳ, có thể ghi nhớ ngắn gọn bằng cụm chữ cái 'FAST' mang ý nghĩa như sau:

F (Face)- Khuôn mặt: Yêu cầu người bệnh cười. Nếu một bên của khuôn mặt nụ cười méo xệch hoặc xệ xuống, người đó có thể bị đột quỵ.

A (Arms) - Tay: Yêu cầu người bệnh nâng cả hai tay lên. Nếu người đó gặp khó khăn với một bên cánh tay cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy người này có thể bị đột quỵ.

S (Speech) - Phát ngôn: Yêu cầu người đó nói. Nếu lời nói ngọng hoặc không thể phát âm, người đó có thể bị đột quỵ.

T (Time) - Thời gian: Bởi thời gian đối với người bệnh đột quỵ vô cùng quan trọng, nên nếu có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, phải gọi cấp cứu ngay lập tức. Sau khi đột quỵ xảy ra, nếu chậm chễ hoặc không được điều trị tổn thương não do đột quỵ có thể dẫn đến tình trạng tàn phế vĩnh viễn hoặc tử vong.

Cấp cứu khẩn cấp có thể ngăn ngừa tổn thương đột quỵ, giúp người bệnh có cơ hội sống sót tốt hơn và phục hồi sức khỏe với ít biến chứng hơn.

Nếu xuất hiện 1 trong các dấu hiệu kể trên, người bệnh có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy khẩn trương gọi cấp cứu và nhanh nhất đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ.

Do đó các chuyên gia lưu ý, nếu người bệnh có triệu chứng nghi ngờ đột quỵ não, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các di chứng nặng nề về sau.

Ngoài ra người bệnh có yếu tố nguy cơ cao (cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu cao, hút thuốc lá…) cần khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ chế độ điều trị của thầy thuốc.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!